Hai ứng cử viên đã tổ chức các cuộc vận động tranh cử tại hai khu vực cách nhau gần 10km ở Wisconsin. Bà Harris có bài phát biểu kéo dài 24 phút. Trong khi đó ông Trump có bài phát biểu tương đối dài, gần 90 phút, bao hàm nhiều chủ đề. Cả hai địa điểm đều thu hút số lượng người tham dự tương đương nhau. Ông Trump lên sân khấu trước bà Harris khoảng 7 phút.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA TODAY
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: USA TODAY

Thành phố Milwaukee là nơi có nhiều cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nhất ở Wisconsin, nhưng các vùng ngoại ô của thành phố này là nơi sinh sống của hầu hết những người ủng hộ đảng Cộng hòa và là khu vực quan trọng đối với Trump khi ông cố gắng thu hút cử tri tại tiểu bang mà ông đã giành chiến thắng sít sao vào năm 2016 và thua vào năm 2020. Một lý do khiến ông Trump thất bại vào năm 2020 là do bị sụt giảm sự ủng hộ của các cử tri ở vùng ngoại ô Milwaukee, trong khi đảng Dân chủ có sự gia tăng phiếu bầu trong thành phố.

Ông Hilario Deleon, chủ tịch Đảng Cộng hòa tại Milwaukee cho biết: "Cả hai ứng cử viên đều thừa nhận rằng con đường đến Nhà Trắng chạy thẳng qua Milwaukee".

Cuộc vận động tranh cử của ông Trump ở trung tâm Milwaukee và của bà Harris ở vùng ngoại ô thành phố có thể là lần xuất hiện cuối cùng của các ứng cử viên tại Wisconsin trước Ngày bầu cử. Cuộc đua để giành được 10 phiếu đại cử tri của tiểu bang rất sít sao.

Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, bà Harris tất bật như con thoi đi lại khắp bảy bang chiến trường quan trọng để cố gắng vận động, tiếp xúc tranh thủ thêm những cử tri còn do dự. Trong khi đó, ông Trump cũng liên tục triển khai những hoạt động không kém phần quyết liệt với lịch trình mít tinh dày đặc ở chính những bang có ý nghĩa quyết định tới kết cục cuối cùng cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Bảy bang "chiến trường" của cuộc đua lần này là: Michigan (16 phiếu đại cử tri), Pennsylvania (19 phiếu), Wisconsin (10 phiếu), Arizona (11 phiếu), Georgia (16 phiếu), Nevada (6 phiếu) và North Carolina (16 phiếu).

Ứng viên cần nhận được ít nhất 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử tổng thống. Những bang trên có tổng cộng 94 phiếu đại cử tri, đủ để đóng vai trò quyết định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Đặc biệt, Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri đang được coi là "chìa khóa" của chiến thắng, nơi cả hai ứng viên đều tập trung nguồn lực lớn nhất. Bang này cũng từng là điểm quyết định trong cuộc bầu cử năm 2020 và được dự đoán sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong năm nay.

Bầu cử ở Mỹ rất hiếm khi chỉ xoay quanh chuyện nội bộ xứ cờ hoa và lần này cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí đối ngoại nay còn có vai trò nổi trội hơn so với nhiều lần bầu trước đây bởi tình hình căng thẳng bùng phát với nhiều diễn biến mới rất phức tạp ở cả châu Âu, Trung Đông và Đông Á.

Điều đó buộc cả hai ứng viên tổng thống phải tính toán hết sức kỹ càng về mọi khía cạnh để không bị mất lòng cử tri ở bất kỳ phía nào, với mục đích ít nhất là không để bị bất ngờ mất phiếu ở các đối tượng mà chiến dịch tranh cử của họ đang hết sức trông cậy để giành chiến thắng cuối cùng.

Bà Harris, với tư cách ứng viên đảng Dân chủ, thực sự đang phải cố gắng "đi trên dây" khi vừa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Israel, vừa khéo léo bày tỏ quan ngại về những hy sinh mất mát và cuộc sống màn trời chiếu đất mà người dân Palestine ở dải Gaza đang phải chịu đựng. Có người nói rất hình tượng rằng bà Harris đang múa một điệu ballet chính trị tinh tế, vừa phải giữ thăng bằng trên sợi dây ủng hộ của đảng Dân chủ, vừa phải đáp ứng kỳ vọng của cử tri tiến bộ và cộng đồng người Ả Rập - Palestine.

Còn ông Trump tiếp tục cáo buộc bà Harris nếu thắng cử sẽ đưa cả thế giới vào chiến tranh thế giới thứ 3; hứa nếu thắng cử sẽ không đưa một người Mỹ nào đi chiến đấu và hy sinh ở bên ngoài. Bên cạnh đó, ông Trump vẫn trung thành với phong cách "nói sao làm vậy" của mình qua việc thể hiện sự ủng hộ không điều kiện với Israel, nhưng thật bất ngờ là điều này dường như đã mang về cho ông sự ủng hộ từ một số lãnh đạo cộng đồng Ả Rập Mỹ, đặc biệt là ở bang chiến trường Michigan.

Trong diễn biến liên quan, ngày bầu cử chính thức là 5/11 nhưng các cử tri Mỹ đã bắt đầu bỏ phiếu sớm trong nhiều tuần qua.

Hơn một nửa số cử tri dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu trước ngày bầu cử, mặc dù các quy tắc liên quan đến việc bỏ phiếu sớm khác nhau tùy theo tiểu bang. Tính đến hôm 2/11, hơn 72 triệu lá phiếu đã được bỏ, theo một công cụ theo dõi do Đại học Florida áp dụng. Theo truyền thống, đảng Dân chủ ủng hộ việc bỏ phiếu sớm hơn đảng Cộng hòa, những người trước đây đã nghi ngờ  về tính an toàn của hoạt động này. Tuy nhiên, trong lần bầu cử này, cả hai đảng đều kêu gọi những người ủng hộ bỏ phiếu sớm.

Thiên Trường (t/h)