Xin Thượng tướng cho biết, cảm nhận của ông sau chuyến đi Trường Sa lần đầu tiên?
Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, trong đó có kỷ niệm về Trường Sa.
Tháng 4/1995, tôi khi đó ở cương vị Phó tổng tham mưu trưởng, tham gia Đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng ra Trường Sa.
Ngày ấy, Trường Sa còn gặp nhiều khó khăn. Sau chiến tranh, chúng ta tiếp quản đảo - trong giai đoạn rất mới, phải xây dựng, kiến thiết, để đảo trở thành căn cứ vững chắc - hạm đội không thể đánh chìm thì không phải dễ. Bộ đội vô cùng vất vả, người dân sống trên đảo còn thưa thớt.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, cả về vật chất và tinh thần, những người lính đảo Trường Sa vẫn kiên trì ngày đêm luyện tập.
Cũng tại chuyến đi đó, cá nhân tôi và nhiều cán bộ đã tham gia tư vấn, chỉ đạo, giúp anh em huấn luyện về nhiều mặt; trao đổi kinh nghiệm cùng bộ đội.
Quần đảo Trường Sa, bao gồm nhiều đảo lớn nhỏ. Viện sỹ đã tới những đảo nào?
Đi đảo thì nhiều, song với tôi, ấn tượng nhất là 3 đảo lớn đó là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Hai Vinh.
Sỡ dĩ mang tên Hai Vinh là bởi tại đảo có những đồng chí, đồng đội, trong đó có Anh hùng Hai Vinh đã hy sinh nên sau này lấy tên đảo là Hai Vinh.
Quanh khu vực đảo Hai Vinh, tồn tại những miệng núi lửa. Bộ đội đi tàu hàng mấy chục cây số trên những cái miệng núi lửa đó, nơi xót lại một số tàu buôn ngày xưa bị chìm, còn trơ lên những chiếc cột.
Ngày đó, chim hải âu nhiều vô kể. Chúng tôi đi trên tàu cứu hộ có tên “Ti tan” của Đức (chiến sỹ hải quân gọi là tàu Hoa hậu, thường dành cho các đoàn cán bộ cấp cao), ngồi trên tàu mà ngắm chim hải âu thì thích thú phải biết.
Ra Trường Sa, cả đi lẫn về mất chừng 15 ngày, nhiều người say sóng bí tỉ. Vui sao, những đêm đi câu cá mực, xem hàng trăm chú cá heo “nhảy múa” xung quanh tàu… mọi người phần nào quên đi cái sự mệt nhọc.
Đi cùng với các đoàn ra Trường Sa, thường có anh chị văn công, tham gia biểu diễn văn nghệ.
Những chuyến ra đảo thường đi vào dịp 30/4, tháng 11 Âm lịch, thời điểm sóng êm biển lặng. Ra đảo cuối năm, là thời điểm đưa quà Tết... Vất vả vô cùng. Điện thoại chưa phổ biến, liên lạc giữa đảo khơi và đất liền chủ yếu bằng thư từ. Cánh lính, không gì vui và xúc động bằng nhận được thư nhà, người yêu…
Sau chuyến đi đó, tôi rất thấm thía về nỗi nhọc nhằn, gian truân của bộ đội ta. Họ luôn ngày đêm luyện tập, thể hiện trách nhiệm cao nhất, ý thức cao nhất, cảnh giác cao độ, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghe nói, tại Quân y Viện 175, có một cây bàng vuông mang tên “Tướng Hiệu”… Vậy sự thể là thế nào, thưa Thượng tướng?
Một ấn tượng khá thú vị trong tôi đó là chứng kiến 2 loại cây suốt bao năm mặc nắng mưa, sóng gió thét gào, vẫn bền bỉ dẻo dai, gắn với ý chí sắt đá - kiên cường của những người lính Trường Sa và nhân dân trên đảo: Cây phong ba và cây bàng vuông.
Ngày xưa, mình đọc trong sách vở thì biết về cây phong ba. Nhưng bây giờ mới được tận mắt chứng kiến cây phong ba. Còn cây bàng vuông, nở hoa vào tháng 4 và tôi thật may mắn được “trông thấy” hoa nở, mới đẹp làm sao, đẹp như trong tranh!
Nơi biên cương hải đảo, khí hậu khắc nghiệt, bộ đội và nhân dân sinh sống – làm bạn cùng những thứ cây này.
Tôi chợt nghĩ, cây bàng vuông trên đảo, rất có thể nó sẽ sống được ở đâu đó nơi đất liền. Nghĩ thế thôi, chứ lúc đó mình chưa có điều kiện để làm điều gì hơn.
Hai năm sau, trở lại Trường Sa, tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến quả bàng vuông.
Khi đó, tôi đã quyết định lấy 3 cây bàng lá vuông con, đưa về ươm tại Vũng Tàu, rồi lại thận trọng dịch chuyển tiếp, đưa về ươm tại một gia đình ở Long Thành (Đồng Nai) nhằm cho cây thích nghi dần.
Đến khi cây bàng vuông cứng cáp, đúng vào dịp Kỷ niệm Chiến thắng 30/4, thì 1 cây được đưa về Quân y Viện 175. Cây bàng vuông ngày nào, nay đang kỳ sung sức, cành lá tỏa xum xuê, cứ mỗi độ Xuân về lại trổ hoa, kết trái…
Duy có 2 cây đưa ra miền Bắc trồng, đã không thành công vì thời tiết lạnh giá không phù hợp.
Xuất phát do đâu mà Viện sỹ đã đưa cây bàng vuông vè trồng ở đất liền?
Tôi nghĩ, đưa cây bàng vuông về trồng ở đất liền, một việc làm nhỏ, song nếu thành công – sẽ mang ý nghĩa lớn và trên thực tế đã thành công. Nó thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn máu thịt giữa đồng bào trên đất liền với bộ đội, nhân dân Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu.
Cảm nhận của Thượng tướng về Trường Sa hôm nay?
Năm 2000, tôi có chuyến đi tiếp ra Trường Sa. Phải nói rằng, huyện đảo Trường Sa như “được vận chiếc áo lộng lẫy” – đổi thay vượt bậc.
Cả nước hướng về Trường Sa!
Sau 5 năm, nơi đây được xây dựng bề thế hơn, hoành tráng hơn xưa rất nhiều, từ trụ sở cơ quan, trường học, nhà cửa tới những con đường chắc chắn, rợp bóng cây. Rau xanh, bầu, bí, chuối… được cấy khắp chốn. Rồi là nuôi heo, gà…
Người dân càng thêm đông đúc. Những chuyến tàu ra đảo gồm các đoàn thuộc nhiều khối cơ quan, tổ chức, đoàn thể thường xuyên hơn.
Nhà nước không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng để biển đảo ngày càng hiện đại.
Đặc biệt, bộ đội và người dân liên lạc với đất liền rất thuận lợi nhờ vào nguồn thông tin, phương tiện điện thoại.
Bây giờ, những chiến sỹ tình nguyện ra đảo – bộ đội được hưởng nhiều chế độ ưu đãi. Sau thời gian công tác, nhiều anh em có điều kiện dành dụm được một khoản tiền kha khá, trở về quê hương xây dựng gia đình, sắm sửa được vài thứ tiện nghi trong nhà, học nghề ra làm…
Bộ đội càng thêm vững tin, yêu mến và gắn bó - quyết tâm bảo vệ vùng trời - biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Là một chuyên gia về đối ngoại quốc phòng, đồng thời là nhà khoa học quân sự, Viện sỹ đánh giá ra sao về lập trường của ta đối với biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa?
Lập trường của Việt Nam đối với biển Đông, Trường Sa và Hoàng Sa rất rõ ràng.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Việt Nam cũng có đầy đủ chứng cứ để chứng minh việc đó cho cả thế giới biết. Từ năm 2002, Trung Quốc và Khối ASEAN đã ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) – một tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông, trong đó các bên cam kết sẽ không dùng đến vũ lực.
Tất cả các bên tại cuộc họp này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC, đồng thời cam kết biến biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Trước khi tranh chấp được giải quyết, các bên phải giữ kiềm chế, không có hành động mở rộng, làm phức tạp hóa tranh chấp.
Tình hình phức tạp hiện nay là do khách quan và chủ quan. Những tồn tại trên biển Đông mà do lịch sử để lại thì giải quyết trên cơ sở nhận thức về luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử theo DOC...
Tôi tin tưởng rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc sẽ sớm tìm được cách giải quyết phù hợp với mong đợi của nhân dân thế giới và nhân dân hai nước, nhất là trong tình hình như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!