Theo các chuyên gia ngân hàng, thời điểm này không đặt vấn đề hạ lãi suất huy động để hạ lãi suất cho vay vì nếu thấp hơn nữa dòng tiền sẽ chạy vào các lĩnh vực khác, có thể dẫn đến bất ổn trong nền kinh tế.
Nguy cơ chạm ngưỡng bẫy thanh khoản
Theo tổng hợp từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến giảm nhẹ trong tháng 10 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, với mức giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm.
Nhìn chung, với cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lãi suất huy động thấp nhất từ mức 3,7% và 4,5%/năm vào cuối tháng 9, xuống còn 3,6% và 4,3% vào cuối tháng 10. Trong khi đó, mức lãi suất huy động cao nhất vẫn đang được áp dụng là 6,1%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 6,8%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng (chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ).
Các chuyên gia nhận định trong tháng 10, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục đà giảm từ các tháng trước đó. Tuy nhiên, với việc tín dụng đã và đang hồi phục, lãi suất huy động sẽ không thể giảm thêm vì sẽ làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến lượng tiền không nhỏ sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán…
Điều này đã được chứng minh khi từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi dân cư của các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư ở mức khá cao tuy nhiên có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Chẳng hạn, tháng 5/2012 tiền gửi dân cư tăng gần 16%, tháng 5/2013 tăng 14,26%, năm 2014 tăng 9,49%, năm 2015 tăng 8,31%, năm 2016 tăng 11,04%, năm 2017 tăng 9,39%, năm 2018 tăng 7,5%, năm 2019 tăng 6,84%, năm 2020 tăng 4% và năm nay chỉ còn 2,6%.
Bên cạnh đó, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng lãi suất huy động không thể giảm từ nay đến cuối năm. Lý do được ông Nghĩa đưa ra là phần lớn ngân hàng không bao giờ nhìn vào việc hạ lãi suất tiền gửi để hạ lãi suất cho vay. Các ngân hàng hạ được lãi suất cho vay là do có CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lớn. Nhưng tình hình hiện tại đã có những thay đổi, dịch bệnh khiến dòng tiền kinh doanh của các tập đoàn lớn âm, thậm chí có một ít gửi tiết kiệm cũng chỉ là để duy trì bộ máy quản lý của công ty và luôn trong tình trạng tiền có thể rút bất kỳ lúc nào. Theo đó, CASA ở đa số ngân hàng sụt giảm mạnh, thậm chí cạn kiệt, trong khi đây là nguồn quan trọng để hạ được lãi suất cho vay.
Theo ông Nghĩa, đây là những yếu tố liên quan mật thiết khiến lãi suất tiền gửi không thể hạ xuống, thậm chí bắt đầu có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản.
“Vấn đề này đã từng được chúng tôi tính toán từ năm 2009 và xác định ngưỡng bẫy thanh khoản là lãi suất huy động trên dưới 3%/năm,” ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng bối cảnh hiện nay không thể tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phân tích lạm phát hiện nay thấp, 10 tháng chỉ ở mức 1,81%. Tuy nhiên, tổ chức IMF đã dự báo lạm phát cả năm của Việt Nam khoảng 3%, Quốc hội thì đặt mục tiêu lạm phát dưới 4%. Hiện lãi suất đầu vào tùy thuộc kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm… có thể tạm tính bình quân là khoảng 5%-5,5%/năm. Nếu lạm phát khoảng 3% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
“Thời gian vừa qua, lãi suất huy động giảm từ 1%-1,5%/năm so với trước đây mà huy động vốn trong nền kinh tế đã giảm xuống, năm ngoái huy động dân cư chỉ tăng hơn 6%. Tốc độ tăng trưởng về huy động vốn cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, không thể tiếp tục đặt ra câu chuyện tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra,” Phó Thống đốc nhận định.
Cũng theo Phó Thống đốc, nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiết kiệm mà đi mua nhà, mua vàng, đầu tư chứng khoán… có thể dẫn đến bất ổn trong nền kinh tế. "Nếu muốn ổn định vĩ mô thì vẫn phải có nguồn tiền gửi để cho vay. Các ngân hàng chủ yếu đi vay từ người dân để có tiền cho vay ngược lại nền kinh tế. Do đó, ngân hàng phải duy trì được đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền," ông Tú nói.
Không giảm cào bằng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết thêm định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại và sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, mức lãi suất cho vay được các ngân hàng thương mại đã giảm 0,6%-0,7%, có món vay giảm từ 2%-3%, tùy từng đối tượng. Quan điểm của ngành ngân hàng là giảm không cào bằng. Khách hàng nào khó khăn nhiều thì mức hỗ trợ sẽ cao hơn và ngược lại.
Điều này cũng được thể hiện con số giảm ở từng ngân hàng là khác nhau. Các ngân hàng thương mại quốc doanh giảm nhiều hơn ngân hàng tư nhân, có ngân hàng giảm vài nghìn tỷ đồng, điển hình là Agirbank giảm tới 4.885 tỷ đồng, nhưng có ngân hàng chỉ giảm vài tỷ đồng.
Tính từ giữa tháng Bẩy đến hết tháng Chín, 16 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay với số tiền là 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.
Phó Thống đốc cũng cho biết bài toán hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp hiện nay không đơn giản. Đặc thù của Việt Nam khác với các nước trên thế giới khi doanh nghiệp đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ tín dụng. Trong khi đó trên thế giới, nguồn vốn của doanh nghiệp đến từ nhiều nguồn đa dạng như cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu… còn lại vốn lưu động thiếu mới vay ngân hàng, chỉ khoảng 30%.
"Các ngân hàng thương mại cũng đang rất khó khăn, phải giải quyết vấn đề tiền huy động về không bị "chôn" vốn một chỗ. Thế nhưng, nếu họ cho vay mà không thẩm định cẩn thận thì sau này có sai phạm có thể vướng vào pháp lý chứ không chỉ là mất vốn," ông Tú cho hay.
Do đó, Phó Thống đốc cho rằng để giảm được lãi suất cho vay lúc này phụ thuộc vào 2 vấn đề là tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ và cắt giảm lợi nhuận. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay theo 2 hướng trên.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cao hơn mức 6,48% của cùng kỳ).
Như vậy, chỉ trong 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3 điểm phần trăm, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và hai tháng cuối năm.
Dư địa cho tăng trưởng tín dụng cuối năm vẫn còn khá lớn, khoảng 3,3% nhưng cũng sẽ phụ thuộc vào diễn biến nền kinh tế. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nếu cuối năm nhu cầu nền kinh tế cao và kiểm soát được lạm phát thì sẵn sàng mở thêm room tín dụng nhưng cũng khẳng định sẽ không nới lỏng điều kiện vay vốn./.
Thúy Hà/Vietnamplus