Phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, từ chiều 03/11 đến hết ngày 05/11. Các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là: Xây dựng, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ là người trả lời chất vấn đầu tiên, về các vấn đề di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản...
Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trả lời về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ trả lời chất vấn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây. Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học...
Thành viên Chính phủ thứ tư trả lời chất vấn là Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, với các nội dung: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Thanh tra Chính phủ báo cáo giai đoạn 2016-2021, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 48.947 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 73.253 đơn vị.
Từ đó, đã kiến nghị thu hồi 71.790 tỷ đồng, 31.287 ha đất; kiến nghị xử lý khác 78.377 tỷ đồng, 31.913 ha đất. Đồng thời, kiến nghị xử lý hành chính trực tiếp đối với 12.416 tổ chức, 42.455 cá nhân; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xử lý hành chính 1.853 người, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 330 vụ, 431 đối tượng…
Các báo cáo cho thấy, hầu hết các lĩnh vực đều xảy ra lãng phí. Từ tài chính – ngân sách đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước; từ trích lập, sử dụng các quỹ đến đất đai, đầu tư – xây dựng… Tất cả đều đang làm lãng phí nguồn lực của đất nước.
Những sai phạm, tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được phát hiện từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán từ bên ngoài, ít có phát hiện từ thanh tra, kiểm tra nội bộ của các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực.
Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị đưa vào kế hoạch năm 2023 và năm 2024 để thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề và thanh tra tổng thể. Trong đó, có thanh tra chuyên đề về “lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm chậm tiến độ, dự án thua lỗ thuộc ngành dầu khí, điện, than; biên soạn và xuất bản sách giáo khoa;
Thanh tra tổng thể việc phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái được cấp đất nhiều năm đến nay vẫn chưa xây dựng hoặc đã xây dựng nhà ở nhưng để hoang hóa; Quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; Thu hồi, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng; Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất khác sang đất ở có quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không thống nhất; phân lô, bán nền; Việc cấp sổ đỏ chồng lấn các dự án đất công, nhà nước phải đền bù gây thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.
Trang Nguyễn