Họ xuất sắc ra đi và trở về thành công để làm nên một lớp tỷ phú tuổi 40 rất đắc trưng của Việt Nam.

Dấu ấn các kỷ lục

Cuối tháng 8/2013, Tập đoàn Vingroup phát đi một thông báo khá lạ khi khuyến cáo người dân, dịp 2/9 nên giãn lịch đến Royal City để tránh quá tải và những khó chịu không đáng có.

Khuyến cáo trên khác với lẽ thông thường là các trung tâm thương mại phải tìm cách để thu hút khách hàng càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, những người đã đến Royal City trong dịp mới khai trương sẽ hiểu đây là một thông báo đã cân nhắc, thể hiện trách nhiệm của một đơn vị dịch vụ cao cấp chuyên nghiệp.

Vincom Mega Mall Royal City được biết đến là trung tâm thương mại ngầm lớn nhất châu Á. Ngay khi mới khai trương cuối tháng 7/2013 đã trở thành một nơi vui chơi, mua sắm hấp dẫn với người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.

Với Vincom Mega Mall Royal City, Hà Nội đã có một địa chỉ có thể so sánh với những thành phố: Singapore, Hồng Kong hay Thượng Hải.

Sau Vincom Mega Mall Royal City, ông chủ Vingroup – tỷ phú đô la đầu tiên người Việt lại ghi một kỷ lục nữa trong năm 2013 khi tạo ra còn là thủy cung lớn nhất Việt Nam tại trong tổ hợp trung tâm thương mại Times City.

Thật khó tin, dưới lòng đất của Hà Nội lại có một Thủy cung chứa 3 triệu khối nước biển cùng hơn 30.000 cá thể biển từ khắp nơi trên thế giới. Tại đó, khách tham sẽ được nhìn tận mắt loài chim cánh cụt từ Nam cực, nhiều loài sinh vật biển lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam như cua nhện khổng lồ (dài 3,7m)....

Cách  Times City không xa, phía bên kia sông Hồng, Vincom Village cũng là một dự án khổng lồ của ông Phạm Nhật Vượng, được xếp hạng là khu đô thị bậc nhất châu Á, Một ngôi làng xanh, hiện đại giữa thủ đô ồn ào.

Doanh nhân Việt trở về trong vinh quang

Trước những dự án này, tỷ phú Vượng đã được biết đến là ông chủ khu du lịch  Vinpearl Land ở Nha Trang với tuyến cáp treo vượt biển 3,32km, cao nhất 54m thuộc top dài nhất thế giới.

Một người bạn của ông Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group - ông Lê Viết Lam cũng được biết đến với rất nhiều kỷ lục.

Đầu tháng 11 năm 2013, Sun Group đã khởi công dự án cáp treo Fansipan Sapa - hệ thống cáp treo dài nhất, cao nhất và phức tạp nhất thế giới. .

Hơn nữa, Fansipan - Sapa còn gắn với đỉnh núi cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Dương. Một đỉnh núi huyền thoại nổi tiếng mà mỗi người Việt đều một lần ước đến.

Trước đó, cuối tháng 3/2013, hệ thống cáp treo Bà Nà Hills của Sun Group cũng đã được công nhận 4 kỷ lục thế giới: dài nhất, 5.801m; độ chênh lớn nhất, 1.368m; tổng chiều dài cáp dài nhất, 11.587m; sợi cáp nặng nhất, 141,24 tấn.

Tuy nhiên, tất cả sẽ thành dĩ vãng vào tháng 9/2015 tới khi cáp treo lên Fansipan hoàn thành.

Nói đến Sun Group của ông Lê Viết Lam người ta còn biết tới Novotel Da Nang Priemier - khách sạn cao nhất miền Trung với 37 tầng; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas…

Nói về những thành tích vượt trội của lớp doanh nhân nhân không thể bỏ qua ông Nguyễn Thanh Hùng Sovico, ông chủ của hãng Vietjet Air đang rất nổi trên thị trường hàng không.

2013, ông Hùng đã ghi dấu của mình khi chỉ trong một ngày đã cũng các DN của mình thực hiện hai thương vụ trị giá hàng tỷ USD: thông qua việc sáp nhập Đại Á vào HD Bank và mua 100 máy bay mới đã gây rung động thị trường Việt Nam.

Cái tên Sovico Holdings gắn với ông Nguyễn Thanh Hùng cùng vợ bà Nguyễn Thị Phương Thảo giờ đây đã nổi bật bởi sự lớn mạnh của hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJetAir và vụ HDBank thâu tóm DaiABank

Rất nhiều các kỷ lục khác gần đây cũng được các DN và doanh nhân lập trong thời buổi kinh tế khó khăn như: sự thống trị của ông Nguyễn Đặng Quang-Hồ Hùng Anh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Sự nổi bật trong lĩnh vực VLXD của ông Nguyễn Cảnh Sơn với Eurowindow, Melinh Plaza; cú lội ngược dòng của VPBank dưới “triều đại” chủ tịch Ngô Chí Dũng; sự lột xác bất thường của TrustBank thành NH Xây dựng; chuỗi thâu tóm dài kỷ lục của ông Trịnh Thanh Huy với Bình Thiên An…

Ngày về thành công

Điểm chung của các doanh nhân tỷ phú trên, họ là những học sinh xuất sắc được cử đi học ở nước ngoài. Cụ thể là Liên Xô và Đông Âu trong hơn 20 năm trước.

Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến là một học sinh rất giỏi với khả năng học toán thần đồng. Ông là một trong những người được chọn đi du học ở Nga, sau đó ông đã ở lại và lăn lộn kinh doanh tại Ukraine để tích lũy cho mình những nền tảng đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh trước khi trở về Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Viết Lam cũng được sang Nga học tập theo chương trình đào tạo của Nhà nước cùng năm với ông Vượng và lấy bằng thạc sĩ tại Moscow.

Những gương mặt thành công

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hùng bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là những sinh viên học tập ở nước ngoài. Ông Hùng là kỹ sư năng lượng, tiến sỹ chuyên ngành tự động hóa, viện sỹ Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên bang Nga.

Còn bà Thảo là cử nhân kinh tế và tín dụng - ngân hàng, tiến sỹ kinh tế, ủy viên sáng lập Viện Hàn Lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên Bang Nga.

Ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh, ông Ngô Chí Dũng, ông Nguyễn Cảnh Sơn, ông Trịnh Thanh Huy… cũng đều là những doanh nhân học tập và khởi nghiệp ở Đông Âu.

Những tên tuổi trên đã nổi lên ở Việt Nam những năm gần đây nhưng trước đó họ là người Việt khởi nghiệp và kinh doanh thành công ở nước ngoài.

Và khi trở về nước, với kinh nghiệm và tiềm lực sẵn có, công với nhiệt huyết đóng góp cho quê hương họ đã sớm có những thành công vang dội.

Với ông Vượng, việc trở thành tỷ phú đô-la nhờ có bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mỳ ăn liền tại Ukraina với doanh nghiệp Technocom.

Tuy nhiên, bước đột phá lớn nhất lại chính là quyết định về Việt Nam năm 2001 để đầu tư vào BĐS, du lịch và đang mở rộng qua y tế, bán lẻ…

Bắt đầu với khu du lịch Vinpearl Land với vị trị tuyệt đẹp ở Nha Trang đươc đầu tư bài bản thực sự trở thành một tài sản giá trị của DN này và sau đó đã lên sàn chứng khoán TP.HCM từ năm 2008 với giá cổ phiếu luôn thuộc tốp cao nhất trên thị trường này, vốn hóa thị trường có thời điểm gần tỷ USD.

Ông Nguyễn Thanh Hùng xây dựng cơ nghiệp ban đầu của mình tại Liên bang Nga từ cuối thập kỷ 80 với các ngành hàng như tiêu dùng, nhu yếu phẩm, hàng thực phẩm, điện tử, may mặc…

Chủ trường quay về Việt Nam của ông Hùng bắt đầu tư giữa những năm 2000 và tập trung trong hai lĩnh vực chính là BĐS, tài chính ngân hàng.

Đặc biệt, kinh doanh hàng không đã mang lại sự khác biêt và là dấu mốc quan trọng thể hiện định hướng chiến lược phát triển của Sovico.

Ông Lê Viết Lam cũng có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng và một số người bạn với việc sản xuất mì ăn liền. Bằng thương hiệu Mivina, hai ông Lam - Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.

Cho đến giờ, Chủ tịch Sun Group vẫn đang điều hành Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Lam hiện là Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Về Việt Nam, thay vì chọn Hà Nội, TP.HCM, ông Lam đã chọn Đà Nẵng để mở rộng các hoạt động đầu tư tại quê nhà.

Có thể thấy, sự xuất sắc đi ra nước ngoài học tập, khởi nghiệp thành công rồi trở về với kinh nghiệm và tiềm lực lớn, các doanh nhân này đã có một đòn bẩy để nhanh chóng thành công.

Các doanh nhân như Phạm Nhật Vượng, Đặng Khắc Vỹ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn, ông Lê Viết Lam đã trở về đầu tư tại Việt Nam sau khi đã rất thành công ở xứ người.

Và trên quê mẹ họ đều đã thành công rực rỡ, đứng đầu cộng đồng doanh nhân Việt và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Hơn hai mươi năm trước, những thanh niên xuất sắc đã được cử ra nước ngoại học tập và làm việc. Nhiều người học xong về nước làm việc, có những người người ở lại khởi nghiệp rồi mới quay về, có những người vẫn tiếp tục sự nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Mỗi người có một lựa chọn khác nhau nhưng điểm chung nhất là họ xuất sắc ra đi và trở về thành công để làm nên một lớp tỷ phú tuổi 40 rất đắc trưng của Việt Nam.

Theo Vietnamnet