THCL Ngày 15/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Diễn đàn Uống có Trách nhiệm Việt Nam (VARD) đã tổ chức Hội thảo Văn hóa uống và An toàn thực phẩm trong ngành đồ uống có cồn.
Đây là dịp để trao đổi về vấn đề văn hóa uống và cung cấp thông tin về thực trạng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đồ uống có cồn, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng đối với vấn đề thời sự này.
Tham dự Hội thảo, có đại diện các cơ quan quản lý ngành công thương, y tế, văn hóa, giao thông… các hiệp hội ngành nghề liên quan, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống có cồn và một số cơ quan thông tin truyền thông.
An toàn thực phẩm là chìa khóa cho phát triển
Trong dịp đầu năm, khi tình trạng lạm dụng rượu bia và ngộ độc do rượu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có pha cồn công nghiệp (methanol), được xã hội đặc biệt quan tâm, các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này càng trở nên cấp thiết.
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, việc sử dụng rượu không đảm bảo chất lượng an toàn do có hàm lượng methanol cao, do ngâm các loại thảo mộc độc hại, không rõ nguồn gốc, đã gây ra nhiều vụ ngộ độc. Trong 10 năm, từ 2007 đến 2016 đã có 53 vụ, với 294 người mắc, trong đó 88 người tử vong.
Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15/2/2017 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy, 3 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trước đó (làm 7 người tử vong), có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000.
Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm Đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về Rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000.
Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol của 3 mẫu rượu này vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Do vậy, bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.
Trong tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, (Bộ Công thương) nói: An toàn thực phẩm là chìa khóa cho phát triển.
Tiến sỹ luật học Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội) cho rằng, nâng cao nhận thức của xã hội và cả nhận thức của người làm chính sách là vấn đề hết sức cần thiết, để có được luật khách quan và khoa học. Ông ủng hộ các nghiên cứu để xây dựng chính sách khách quan và khoa học, đồng hành với các bên liên quan để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội.
Xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm
Về vấn đề thành lập quỹ phòng chống lạm dụng rượu bia, bảo vệ sức khỏe, ông Trương Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) có ý kiến, cần đánh giá việc thực hiện quỹ phòng chống thuốc lá trong thời gian qua, để có bài học thực tiễn hơn khi thực hiện các quỹ khác.
Hội thảo Văn hóa uống và An toàn thực phẩm trong ngành đồ uống có cồn góp phần thực hiện Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 244/2014/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014, và phù hợp với Mục tiêu thứ 3 trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030 được Liên hợp quốc thông qua tháng 9 năm 2015, đó là “Bảo đảm cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”, trong đó Tiểu mục 3.5 nêu cụ thể về vấn đề phòng chống lạm dụng đồ uống có cồn.
ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm: “Rượu bia là một nét văn hóa nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử với nó, nhận định về nó và sử dụng nó có văn hóa. Làm sao cho giá trị văn hóa tiếp tục được phát huy trong thời đại mới, đặc biệt là trong hội nhập. Rượu, bia sản xuất trong nước không chỉ là điểm giao lưu văn hóa mà còn là nguồn lực cạnh tranh quan trọng. Ẩm thực nói chung và đồ uống nói riêng chính là một trong những nét văn hóa, bảo tồn những nét văn hóa là trách nhiệm của chúng ta. Đó sẽ là nguồn lực không nhỏ nếu chúng ta biết khai thác vì sự phát triển chung của đất nước”.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực đồ uống có cồn trong thời gian qua đã có những việc làm cụ thể, như: Giáo dục và nâng cao nhận thức về vấn đề lạm dụng đồ uống có cồn; Giảm thiểu tình trạng uống rượu bia dưới tuổi quy định; Giảm thiểu tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông; Điều chỉnh các thông lệ có liên quan đến hoạt động tiếp thị và tiêu thụ các loại đồ uống có cồn; Góp ý xây dựng chính sách phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Nỗ lực từ bản thân người tiêu dùng, các cấp, các bộ, ban, ngành, các nhà sản xuất và kinh doanh có trách nhiệm và xã hội sẽ góp phần xây dựng một văn hóa uống có trách nhiệm, nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng đồ uống có cồn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, để tạo nên nét văn hóa uống có trách nhiệm, nền tảng pháp lý văn minh, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn kinh doanh và cuộc sống.
Gia Linh