THCL “Mặt hàng mỹ phẩm ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang rất khó kiểm soát. Điều này do nhiều lỗ hổng từ khâu quản lý, cả trước và sau khi cấp phép” - ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng phòng thông tin và tổng hợp liên ngành Chi cục QLTT Hà Nội nhận định.

“Buông” tiền kiểm, “lỏng” hậu kiểm

Theo thống kê của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, cả nước đang có khoảng 15.000 loại mỹ phẩm được cấp giấy phép lưu hành. "Thủ tục” để có được “tờ giấy thông hành” này lại đang “khá dễ dàng”. Chỉ cần DN nộp đơn kiểm định chất lượng là sẽ được cấp phép. Hoàn toàn không có công tác đánh giá lại thành phần sản phẩm có đúng như trên đăng ký hay không.

Ngay cả sau khi ra đến ngoài thị trường, công tác “hậu kiểm” của các cơ quan chức năng cũng không đáng kể. Đơn cử, 6 tháng đầu năm nay, chưa đến 1% DN mỹ phẩm bị kiểm tra.

Ông Nguyễn Văn Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết: “Sở đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý dược để có thể hậu kiểm các sản phẩm mỹ phẩm đang được lưu hành chứ không để tình trạng như hiện nay. Nhưng hiện nay cũng chưa có phản hồi chính thức từ Cục”.

Lực lượng liên ngành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội

Bên cạnh đó, Cục quản lý Dược cũng không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên việc phân loại hàng được phép và không được phép lưu hành khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Hiện tại, hệ thống thông tin của Cục chưa công khai danh mục sản phẩm và đơn vị kinh doanh. Chính những điều này đã phần nào gây nhiều bất cập cho lực lượng QLTT. Chưa kể đến việc công tác giám định chất lượng mỹ phẩm còn gặp nhiều khó khăn do chi phí cao, thiếu kinh nghiệm chuyên môn khiến việc điều tra càng gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế, đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thị trường mỹ phẩm chính là việc thiếu thông tin và chưa có sự chủ động hợp tác giữa các cơ quan chức năng với Ban chỉ đạo 389 các địa phương, giữa các cơ quản quản lý và người tiêu dùng.

Vào cuộc đồng bộ

Theo ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội: Khi hàng hóa lưu thông trên thị trường, công tác quản lý mới chỉ chiếm 20%, việc hậu kiểm sau cấp phép về kiểm soát chất lượng - giá cả, thực hiện đúng nội dung công bố chiếm đến 80%. Vì vậy, công tác xây dựng cơ chế, trách nhiệm và giải pháp thực thi để nâng cao hiệu quả chất lượng và giá thành sản phẩm đến người tiêu dùng, chống các hành vi gian lận thương mại là vấn đề cấp bách. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng. Trước hết, cần công khai thông tin về việc cấp phép của các cơ quan quản lý, sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp phép, ngoài ra, cần có sự chủ động trong công tác giám định. Sự chỉ đạo chung của các cơ quan chuyên môn sẽ là cơ sở cho các lực lượng chức năng thực thi hành động.

Đại tá Giang Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an nhấn mạnh: Việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi (QLTT, cảnh sát kinh tế, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hải quan, thanh tra chuyên ngành y tế...) trong công tác đấu tranh chống tội phạm về hàng giả nói chung và mỹ phẩm nói riêng là rất quan trọng. Trong thực tiễn nhiều vụ việc ban đầu chỉ xác định là vi phạm hành chính nên các lực lượng cảnh sát kinh tế phải phối hợp điều tra với các cơ quan khác tiến hành thanh - điều tra để chuyển tài liệu chứng cứ giúp khởi tố vụ án đối với loại tội phạm này.

Bên cạnh đó, sự phối hợp của chủ thể quyền với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái sẽ là rất cần thiết, đặc biệt là trong công tác giám định sơ bộ, giám định quyền sở hữu trí tuệ...

Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có biện pháp tuyên truyền đến người dân về sự nguy hại của việc tiêu dùng hàng mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Khi mua sản phẩm cần đến những nơi uy tín, có hóa đơn chứng từ nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Đó là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của chính mỗi công dân.

Theo báo Công Thương