Quảng Đông, trung tâm vận chuyển lớn của Trung Quốc, chiếm khoảng 24% tổng xuất khẩu của quốc gia này, đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt, khiến công suất xử lý hàng hóa tại các cảng biển giảm mạnh.

Hiện thời gian chờ đợi để các tàu chở hàng có thể cập bến tại cảng quốc tế Diêm Điền ở Thâm Quyến tăng vọt, từ mức trung bình là nửa ngày lên 16 ngày. Điều này gây ra tình trạng vận chuyển hàng hóa chậm trễ nghiêm trọng ở các cảng biển lớn, đồng thời khiến chi phí vận chuyển vốn đã cao, nay càng lên cao hơn vì thời gian đợi chờ tại bến cảng bị kéo dài.

Vận tải biển nguy cơ tiếp tục rơi vào khủng hoảng, sức ép lạm phát gia tăng
Vận tải biển nguy cơ tiếp tục rơi vào khủng hoảng, sức ép lạm phát gia tăng.

Cảng quốc tế Trạm Giang (Trung Quốc) thậm chí quyết định ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam và 10 quốc gia khác từ ngày 20/6 tới do lo sợ dịch bệnh xâm nhập.

Hiện Quảng Đông là địa phương đặt cảng Thâm Quyến và Quảng Châu, lần lượt là cảng biển lớn thứ 3 và thứ 5 thế giới tính về khối lượng container cập cảng.

Năm 2020, khi các khu vực trên thế giới phục hồi từ đại dịch, một đợt bùng nổ mua hàng dẫn đến nguồn cung container thiếu hụt trầm trọng, gây ra tình trạng chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu. Doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chịu chi phí cao.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đang tăng lên. Chi phí xuất khẩu, vận chuyển có thể tăng cao hơn nữa. Ông Zhang Zhiwei cho rằng, Quảng Đông đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, theo ông JP Wiggins, Phó Chủ tịch tại Công ty phần mềm vận chuyển 3GTMS, khủng hoảng cảng biển ở Trung Quốc sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ vì nhiều tàu chở hàng bị ảnh hưởng đều có lộ trình tới Bắc Mỹ.

Khủng hoảng vận tải biển là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc chi phí vận chuyển tăng vọt. Ông Wiggins cảnh báo cước phí đang “biến động rất mạnh” và ông khuyên các công ty vận tải nên lên kế hoạch cho trường hợp cước phí tăng gấp đôi, vì hiện không thể đoán định được cước vận chuyển sẽ còn diễn biến như thế nào.

Bà Shehrina Kamal, Phó Chủ tịch về các giải pháp thông minh tại Everstream Analytics, cho hay, những doanh nghiệp xuất khẩu không muốn bị chậm trễ cần đổi hình thức vận chuyển từ đường biển sang đường hàng không và đẩy chi phí vận chuyển lên cao.

"Tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ có thể kéo dài thêm 2 tuần hoặc lâu hơn. Hiệu ứng dây chuyền sẽ lan sang các tỉnh lân cận như Quảng Tây, Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc", bà Kamal nhận định.

Nhìn chung, tốc độ luân chuyển tại các cảng ở Quảng Châu sẽ vẫn chậm chạp trong tháng 6, và ảnh hưởng đến nhiều nơi khác ở Trung Quốc. Điều này có thể khiến giá cả gia tăng, trong bối cảnh giới đầu tư còn đang lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cao và tác động của nó đến lãi suất.

"Giữa lúc tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ và các nền kinh tế Đông Nam Á đang khiến giá hàng hóa và cước phí vận chuyển gia tăng, làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần này ở Quảng Đông có thể góp phần gây thêm áp lực lạm phát đối với nhiều nước khác", ông Zhang Zhiwei nhận định.

Trúc Mai