Sáng nay (20/08), phát biểu tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phấn khởi, ghi nhận và đánh giá cao chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được ban hành đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương triển khai. Cho đến nay đã thu được những kết quả rõ nét trong phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch, giúp cộng đồng doanh nghiệp lấy lại được nhịp độ tăng trưởng mới, đồng thời mang lại sự khởi sắc của thị trường lao động Việt Nam. 

Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Hai thách thức của thị trường lao động

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: cùng với phục hồi kinh tế và doanh nghiệp, bức tranh quan hệ cung cầu lao động trên thị trường lao động cũng có thay đổi lớn. Dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thị trường lao động nổi lên 2 thách thức lớn.

Đó là thiếu hụt lao động có kỹ năng và những thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng với người lao động dưới tác động của việc đổi mới công nghệ, đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là các vị trí đòi hỏi yêu cầu, kỹ năng cao.

Báo cáo PCI 2021 do VCCI thực hiện cũng phản ánh, đánh giá về chất lượng lao động tại các địa phương từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI tương đồng với nhận định trên. Khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng, thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%), nhóm kế toán (45%), nhóm cán bộ kỹ thuật (25%), nhóm quản lý giám sát (20%). Nhóm lao động khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành chỉ đạt 15%.

“Hai thách thức trên thị trường lao động cũng là nút thắt cho doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển; cũng như nguy cơ Việt Nam có thể mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19 và những biến động địa chính trị quốc tế” - Chủ tịch VCCI nhận định.

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là vàng. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của người lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nên sự thay đổi của chương trình đào tạo từ các trường, cơ sở giáo dục luôn có độ trễ so với thay đổi của nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động.

Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn, trực tiếp tại doanh nghiệp hiện nay được xem là giải pháp tối ưu để có thể giải quyết nhanh vấn đề thiếu hụt kỹ năng lao động hiện tại. Thời gian qua, doanh nghiệp tại nhiều ngành nghề đã thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ trang bị kỹ năng cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

 Những kiến nghị của VCCI

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ VCCI Phạm Tấn Công kiến nghị.

Thứ nhất, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia. Tổng kinh phí dự kiến chi cho chính sách này là 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia và mới chỉ 17 tỉnh, thành phố phê duyệt cho 57 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 12.000 lao động. Đây là con số rất khiêm tốn.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp như về thời gian, nội dung, yêu cầu về giáo viên và cơ sở vật chất; có cơ chế hợp tác giữa nhà trường-cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp.

Điều này vừa tạo điều kiện cho phát triển thị trường lao động linh hoạt vừa khuyến khích người lao động liên tục học tập trau dồi kỹ năng để đạt được những vị trí và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và đầu tư thỏa đáng vào việc đào tạo kỹ năng cho người lao động một cách căn cơ, toàn diện. 

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của doanh nghiệp. 

Thứ tư, tăng cường hiệu quả hợp tác doanh nghiệp, nhà trường. Có kinh nghiệm hay tại các nước tiên tiến như Đức, Australia, Anh, VCCI đề xuất áp dụng đánh giá ở Việt Nam. Đó là mô hình giáo dục nghề nghiệp do ngành dẫn dắt, trong đó việc xác định các kỹ năng, cập nhật các kỹ năng mới, thiết kế chương trình cho học viên của một ngành nhất định được thực hiện với sự tham gia của chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong ngành đó thông qua Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề.

Đây là cơ chế phối hợp đa ngành: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề được lập theo từng ngành, cung cấp thông tin thị trường lao động của ngành, tư vấn thiết kế việc thực hiện đánh giá chương trình hoạt động nghề nghiệp sát với từng ngành. Hiện nay, VCCI phối hợp với Chương trình Aus4Skills của Úc triển khai thí điểm Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề của ngành logistic tại TP Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Việt Nam đang có mục tiêu và khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chìa khóa vàng để mở cánh cửa đầu tiên đến với mục tiêu này là nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động chất lượng vàng, có năng suất cao, thu nhập cao.

Để thực hiện điều này, cần có những giải pháp mạnh và đột phá; trong đó có việc tạo điều kiện và phát huy vai trò của doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng mà là chủ thể trực tiếp tham gia bồi dưỡng đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, quan tâm tạo môi trường phát triển nhanh, bền vững vì một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập chỉ có thể có được khi doanh nghiệp phát triển nhanh, hiện đại, bền vững, hội nhập.

Lê Pháp (t/h)