Nhiều hộ nuôi cá lồng bè huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) còn chưa hoàn hồn bởi thiệt hại lớn do xả đáy thủy điện Hòa Bình từ giữa năm 2017 làm cá chết trắng. Nhưng "họa vô đơn chí" lại ập đến ngay lúc này, khi những lồng bè cá trên sông Đà gặp nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề do nước sông... cạn kỷ lục.

“Vị đắng” từ lồng cá nuôi trên dòng sông Đà

“Vị đắng” từ lồng cá nuôi trên dòng sông Đà

Trên địa bàn huyện Thanh Thủy có hàng trăm lồng cá được nuôi rải rác dọc sông Đà. Trong đó, nhiều nhất tại xã Xuân Lộc với gần 150 lồng.

Hiện nay, có khoảng hơn một nửa số lồng cá ở xã Xuân Lộc trong tình trạng bị cát xô vào lấp đáy lồng và cạn nước, phải di chuyển cá đi nơi khác để đảm bảo an toàn...

Mới đến đầu khu 5, xã Xuân Lộc, chúng tôi đã thấy một hàng dài những lồng cá ngổn ngang, nằm la liệt, phơi mình - bị trơ đáy ở sông Đà. Cả một vùng nuôi cá lồng rộng lớn, nhộn nhịp người nuôi, người thăm, mua, nay im ắng bất thường.

“Vị đắng” từ lồng cá nuôi trên dòng sông Đà

“Vị đắng” từ lồng cá nuôi trên dòng sông Đà

Bên những lồng cá trơ đáy, ông Dương Tiến Dũng, chủ 17 lồng cá trên sông Đà, xã Xuân Lộc ngậm ngùi, nước sông Đà rút mạnh, nhiều doi cát giữa sông nhô lên, khiến cho người nuôi cá lồng phải vất vả ứng phó.

Theo ông Dũng, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng nước sông cạn kiệt vào thời điểm này làm người nuôi cá lồng khó khăn. Nhưng năm nay, nước sông cạn kỷ lục; nếu tiếp tục cạn như hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề chăn nuôi cá lồng.

Bên cạnh đó, số lượng bè mắc cạn sẽ tăng lên, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm lồng cá trên địa bàn và nguy cơ toàn bộ hộ nuôi cá lồng sẽ lại mất trắng.

Tương tự, ông Đặng Văn Luyện (khu 5, xã Xuân Lộc) chia sẻ, gia đình có tất cả 22 lồng cá. Do nước cạn, mới sắp xếp di chuyển được 9 lồng ra phần sông có nước để nuôi; số lồng còn lại vẫn nằm phơi nắng phơi sương.

Nuôi cá lồng là nghề mưu sinh của người dân xã Xuân Lộc. Khi nước cạn, người nuôi kéo bè quần tụ lại với mật độ dày. Thời điểm này lại rơi vào thời gian cá lớn, chuẩn bị xuất bán. Cá càng lớn thì ăn càng nhiều và bài tiết cũng nhiều.

“Nước ít, nuôi cá mật độ dày, chất thải nhiều trong "vùng trũng" làm tăng khả năng ô nhiễm khiến cá chết. Nhất là lúc này, khi chuyển sang mùa khô làm nước sông cạn kiệt, môi trường thay đổi đột ngột khiến cá dễ chết, gây thiệt hại lớn”, nhiều người dân xã Xuân Lộc xót xa.

“Vị đắng” từ lồng cá nuôi trên dòng sông Đà

Để khắc phục tình trạng cá giống và cá thương phẩm phải nằm trên cát, phơi nắng, phơi sương do nước sông xuống thấp, người dân đã phải thuê máy sục vào cát và tời lưới lên cho nổi lồng để cứu cá, đồng thời huy động nhân công để chuyển cá đi nơi khác tránh tình trạng cá chết.

Tuy nhiên, do nước sông xuống quá thấp nên dòng nước không chảy, người dân nuôi cá lồng “như ngồi trên lửa” – nợ tiền cá giống, thức ăn cho cá đã nhiều, nay khả năng cá bị chết vì nước cạn càng lớn sẽ khiến gánh nặng kinh tế càng chồng chất.

Thậm chí, nhiều hộ có nguy cơ "cụt" vốn, rất khó đầu tư nuôi cá vụ mới, cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị liên quan về kinh phí, vốn vay và kỹ thuật ứng phó với sự thay đổi của khí hậu, thời tiết…

Hoan Nguyễn