Tại cuộc họp với các chuyên gia kinh tế để trao đổi về chính sách ngoại tệ và lãi suất tiền gửi bằng đồng USD dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà ngày 17/7 vừa qua, các chuyên gia đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước về các biện pháp chống đô la hóa cũng như chính sách lãi suất 0% với tiền gửi bằng USD đã và đang phát huy hiệu quả. Qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm tỷ lệ "đô la hóa", tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn FII và FDI…

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết: Tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm mạnh từ 2015 tới nay. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng có xu hướng giảm…

Chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ "đôla hóa" trong nền kinh tế giảm mạnh (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ "đôla hóa" trong nền kinh tế giảm mạnh (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Theo báo cáo của VBSC, lãi suất huy động có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 50 - 100 điểm cho cả năm 2024. Trong khi đó, lãi suất cho vay trung bình được kỳ vọng đi ngang; tuy nhiên, có sự phân hóa giữa các ngành nghề trong bối cảnh NHNN tiếp tục chủ trương hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế.

Đáng chú ý, đang có những đề xuất về việc giữ nguyên lãi suất 0% với tiền gửi bằng đồng USD. Cụ thể, theo NHNN, việc áp dụng chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ 'đô la hóa' trong nền kinh tế giảm mạnh.

Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024. Vì vậy, các chuyên gia đề xuất, nên giữ nguyên lãi suất 0% với tiền gửi bằng đồng USD. Đồng thời, Việt Nam nên kiên định chuyển từ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ, từ đó nâng cao vị thế của VND.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng đồng USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nước ta đã chuyển sang một vị thế mới.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ngay từ ban đầu Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch và lộ trình rõ ràng đối với việc duy trì hướng đến đưa lãi suất USD về 0%. Mặc dù còn tồn tại một vài bất cập, song những khó khăn này có thể điều chỉnh được và nhìn chung, công tác điều hành chính sách lãi suất và ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô. TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì và thực hiện đánh giá toàn diện chính sách này trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để thực hiện đúng chủ trương giảm "đô la hóa" của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng nghĩa với việc giảm sự "hấp dẫn" của việc nắm giữ đồng đô la trong tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến ngoại tệ, kiều hối chuyển về TP HCM trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi năm ngoái đã ghi nhận mức cao kỷ lục. Cụ thể, kiều hối chuyển về trên địa bàn thành phố hiện đạt gần 5,2 tỉ USD, bằng hơn 1 nửa so với cả năm 2023 và tăng gần 20% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có khoảng 860 triệu USD kiều hối chuyển về TP.HCM.

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, từ 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước mua ròng khoảng 48,2 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong đó tính riêng từ 2016 đến 2021, con số mua ròng khoảng 71 tỷ USD.

X.Hải (t/h)