THCL - Trong tuần qua, đã có tới 2 lá thư ngỏ của các nhà kinh tế nổi tiếng nhất tại Mỹ, trực tiếp kêu gọi cử tri không nên bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Tổng số các nhà kinh tế ký tên vào 2 bức thư này đã lên tới gần 400 người. Vậy, vì sao các nhà kinh tế lại không ưa vị tỷ phú bất động sản của đảng Cộng Hòa đến thế?

Cuộc chạy đua tranh cử đến chiếc ghế tổng thống Mỹ đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết, khi chỉ một thời gian ngắn nữa cuộc bỏ phiếu sẽ chính thức diễn ra vào ngày 8.11, và giới điều tra (Cục điều tra liên bang - FBI) đang nhắm vào ứng cử viên của đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, ứng cử viên đảng Cộng Hòa là ông Donald Trump cũng không phải bình an vô sự, khi cũng đang trở thành đối tượng bị nhắm đến của một giới khác – các nhà kinh tế học.

Trong tuần vừa qua, đã có tới 2 lá thư ngỏ của các nhà kinh tế nổi tiếng nhất tại Mỹ, trực tiếp kêu gọi cử tri không nên bỏ phiếu cho ông Trump. Tổng số các nhà kinh tế ký tên vào 2 bức thư kêu gọi tẩy chay ông Trump kể trên đã lên tới gần 400 người. Vậy, vì sao các nhà kinh tế lại ghét vị tỷ phú bất động sản của đảng Cộng Hòa đến thế?

Hai lá thư kêu gọi cử tri Mỹ không bầu cho ông Donald Trump được công bố trong tuần qua được xem là nỗ lực cuối cùng của các nhà kinh tế Mỹ trong việc chống lại viễn cảnh ông Trump trở thành tổng thống – một kịch bản được họ xem là khủng khiếp. Lá thư đầu tiên được công bố trên tờ Wall Street Journal đã được 370 nhà kinh tế ký tên, trong đó có 8 người đã đoạt giải Nobel.

Nội dung của lá thư không quá khó đoán, chủ yếu công kích ông Trump về tính thiếu chính xác về các dữ liệu kinh tế trong những bài phát biểu của vị tỷ phú này, cảnh báo các hậu quả do những chính sách tẩy chay tự do thương mại và người nhập cư gây ra, và đưa ra những chính sách sai lầm trong nhiều lĩnh vực.

Lá thư thứ 2 tỏ ra có sức nặng hơn, khi dù chỉ có 19 người ký tên nhưng toàn bộ lại là những người đã từng đoạt giải Nobel. Nội dung của nó cũng không khác biệt nhiều với lá thư thứ nhất.

Sự ác cảm của giới chuyên gia kinh tế Mỹ đối với Donald Trump không phải là một điều gì mới mẻ, nó được giải thích bởi lý do hầu hết các chính sách nói chung và chính sách kinh tế nói riêng của ông Trump hầu như có xu hướng đi ngược lại với quan điểm của các nhà kinh tế chính thống.

Trong khi các nhà kinh tế cho rằng cần tăng thuế, thúc đẩy tự do thương mại và tăng chi tiêu chính phủ nếu như muốn kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, thì ông Trump lại làm ngược lại tất cả: đề xuất giảm thuế, công kích tự do thương mại và giảm chi tiêu công. Các chính sách về người nhập cư và đồng minh thân cận của nước Mỹ của ông Trump cũng đi ngược lại với quan điểm được xem là chính thống trước đó.

Sâu xa hơn, Donald Trump về cơ bản là hình mẫu chính trị gia không mấy để tâm đến lời khuyên của các nhà kinh tế trong việc xây dựng chính sách tranh cử của mình (trừ một số ít nhà kinh tế tin tưởng), thay vào đó tập trung hơn vào tính thực tế của các giải pháp. Điều này xuất phát từ một thực tế là các nhà kinh tế thường ít khi được cử tri Mỹ coi trọng.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014 bởi Christopher Johnston và Andrew Ballard về quan điểm của người dân Mỹ đối với vai trò của các nhà kinh tế trong những vấn đề chính sách, kết quả là công chúng nhìn chung tin tưởng vào các nhà kinh tế trong các vấn đề mang tính vĩ mô như xu hướng thương mại toàn cầu hay tăng trưởng kinh tế, nhưng lại có rất ít niềm tin trong các vấn đề thiết lập chính sách cụ thể vốn mang tính chính trị nhiều hơn. Một lời khuyên tốt về mặt kinh tế chưa chắc đã là tốt về mặt chính trị trong việc thiết lập một chính sách nhất định.

Với một phần lớn người dân Mỹ, “nhà kinh tế” là một từ gợi lên một sự khó hiểu, xen lẫn sự chế nhạo và mất lòng tin. Xu hướng này gia tăng mạnh từ sau năm 2008, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và khủng hoảng kinh tế thế giới. Hầu hết các nhà kinh tế Mỹ đã không dự báo được trước sự kiện mang tính thảm họa này, và họ trở thành đối tượng bị đổ lỗi chính cho vụ việc dù hệ thống tài chính và ngân hàng mới là nguyên nhân trực tiếp.

Các nhà kinh tế ở Mỹ hiện tại cũng không phải là đối tượng có thiện cảm với giới trung lưu, hầu hết cho rằng nhà kinh tế là công cụ của giới tài phiệt và nhà giàu Mỹ trong việc vận động chính phủ ban hành các chính sách có lợi cho tầng lớp thượng lưu. Mức thu nhập có phần cao hơn của các chuyên gia kinh tế so với các lĩnh vực khác cũng bị gán cho những ý nghĩa tiêu cực.

Theo thống kê từ một nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn 2014-2015, thì mức lương khởi điểm trung bình của một giáo sư kinh tế tại một trường đại học ở Mỹ là khoảng 91.301 USD/năm, cao hơn gần gấp đôi so với một giáo sư tại một số lĩnh vực khác, chẳng hạn như mức lương khởi điểm của một giáo sư vật lý chỉ khoảng 56.483 USD/năm. Sự chênh lệch về thu nhập đó xuất phát từ việc các nhà kinh tế thường giữ thêm vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp trong các vấn đề thương mại và tài chính – một việc thường bị xem là tiếp tay cho giới nhà giàu.

Đó là lý do 2 bức thư ngỏ của gần 400 nhà kinh tế yêu cầu cử tri không bỏ phiếu cho Donald Trump trong tuần qua có thể sẽ không thu được nhiều hiệu quả. Cử tri Mỹ có xu hướng quan tâm đến lợi ích và hiệu quả thực tế mà các chính sách đem lại, hơn là quan tâm đến các con số và các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Một lời hứa sẽ tăng việc làm của ông Trump sẽ có sức nặng với các cử tri hơn nhiều so với những cảnh báo của các nhà kinh tế về hậu quả vĩ mô có thể xảy ra nếu lời hứa đó trở thành sự thực.

Nhàn Đàm - Motthegioi