Tổng thống Nga V.Putin là người công khai tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường lãnh đạo bởi theo ông, trật tự đó đi ngược lại chính các giá trị dân chủ mà phương Tây cổ súy. Vì thế mà ông đã bị “thế lực ngầm - nhà nước ngầm” tuyên bố là “kẻ phá hoại trật tự thế giới của Mỹ”.

Vì sao các “thế lực ngầm”muốn loại bỏ Tổng thống Nga Putin trên đường đi dự G20? - Hình 1

Nhiều thế lực ở Mỹ và phương Tây ghét cay ghét đắng tổng thống Nga Putin

Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua ở Hamburg (Đức) để lại nhiều câu hỏi mà chỉ có câu trả lời trong các sự kiện sẽ diễn ra trên thế giới trong thời gian tới, trong đó thu hút sự chú ý đặc biệt của giới phân tích cũng như giới truyền thông là nội dung trao đổi trong buổi họp kín kéo dài tới 2h15 phút giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin.

Cũng liên quan tới cuộc gặp này là hành trình bí ẩn của chiếc Chuyên cơ số 1 đưa Tổng thống Nga V.Putin tới Đức tham dự hội nghị lịch sử này.

Lộ trình bay khác thường của Chuyên cơ số 1 đưa ông Putin tới Đức

Các dữ liệu theo dõi các hành trình của Chuyên cơ số 1 công bố trên trang FlightRadar24 chứng tỏ, chiếc máy bay IL-96-300PU đưa Tổng thống Nga V.Putin tới Đức dự Hội nghị G20 đã không bay theo lộ trình thông thường từ Nga qua không phận Belarus và Ba Lan, mà đã phải bay vòng qua biển Baltic và không phận các nước không thuộc NATO là Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch trước khi đi vào vào không phận Đức. Vì thế mà hành trình này đã phải kéo dài thêm hơn 500km.

Khi các phóng viên hỏi về hành trình bay của Chuyên cơ số 1, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga V.Putin, ông Dmitry Peskov, chỉ cho biết hành trình của tổng thống liên quan với yêu cầu an ninh. Theo ông Dmitry Peskov, việc đảm bảo an toàn cho tổng thống được thực hiện ở mức độ cao bằng mọi biện pháp thích hợp.

Vì sao các “thế lực ngầm”muốn loại bỏ Tổng thống Nga Putin trên đường đi dự G20? - Hình 2

Chuyên cơ của tổng thống Nga Putin

Việc Thư ký báo chí của Tổng thống Nga V.Putin, ông Dmitry Peskov, không đưa ra câu trả lời cụ thể khiến truyền thông Phương Tây đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, bởi Vladimir Putin không chỉ là tổng thống Nga mà còn là nhà lãnh đạo tầm thế giới, gánh trên vai trọng trách rất lớn đối với vận mệnh của thế giới.

Không cần phải là người sùng bái cá nhân, nhưng hãy cứ thử giả thiết rằng thế lực nào đó ám sát ông thành công thì thế giới này sẽ ra sao? Không cần phải là người có trí tưởng tượng phong phú cũng có thể nhận thấy thế giới sẽ rơi vào thảm họa [1].

Giả thuyết tránh sự khiêu khích của NATO

Giả thuyết này dựa trên một cơ sở thực tế là vào cuối tháng 5/2017, khi một chuyên cơ chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đang bay trên không phận Ba Lan để tới vùng Kaliningrad của Nga thì bất ngờ bị một máy bay chiến đấu F-16 của Ba Lan áp sát tới mức nguy hiểm buộc một chiếc máy bay tiêm kích Su-27 đang hộ tống ông Shoigu phải cảnh báo chiếc F-16 rời ra xa.

Vùng Kaliningrad thuộc Nga là vùng đất nằm lọt vào giữa 3 nước Ba Lan, Belarus và Litva, vì vậy, để tới đây nhất thiết phải đi qua lãnh thổ các nước này.

Theo giới phân tích, sự cố liên quan tới chuyên cơ chở Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu đã buộc các lực lượng đảm bảo an ninh cho Tổng thống V.Putin không để Chuyên cơ số 1 bay qua không phận Ba Lan để tránh một sự cố tương tự.

Hơn nữa, để tránh cho máy bay của Tổng thống V.Putin không bị khiêu khích trên không phận các nước châu Âu, Nga không thể cho phép máy bay tiêm kích hộ tống như trong trường hợp chuyến bay của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu.

Giả thuyết tránh âm mưu bị tấn công

Một số báo ở Anh như tờ Daily Mail và The Sun đưa ra giả thuyết cho rằng, Tổng thống Nga V.Putin có thể đang đứng trước âm mưu của những “thế lực ngầm” nào đó đang săn lùng lộ trình của Chuyên cơ số 1 của ông để bắn hạ nó. Giả thuyết này dựa trên cơ sở của ít nhất là hai sự kiện liên quan tới Chuyên cơ số 1 của Tổng thống V.Putin.

Sự kiện thứ nhất, chuyến bay gần đây nhất tới thăm Pháp vào ngày 29/5/2017 theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Để bảo đảm an ninh cho Tổng thống Nga V.Putin, bộ phận tổ chức chuyến đi này đã phải sử dụng tới ba chiếc máy bay giống hệt nhau, trong đó một chiếc bay thẳng từ Nga sang Pháp, chiếc thứ hai bay qua Cộng hòa Serbia và chiếc thứ bay qua Romania. Không ai biết chính xác Tổng thống Nga V.Putin bay trên chiếc máy bay nào trong ba chiếc đó.

Sự kiện thứ hai, có một giả thuyết cho rằng trong tháng 7/2014 lực lượng phòng không của Ukraine đã từng nhắm bắn mục tiêu Chuyên cơ số 1 của Tổng thống Nga V.Putin khi nó đang trên đường bay từ Brasillia về Matxcơva, nhưng đã bắn nhầm vào chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bởi hai chiếc máy bay có hình dáng và màu sơn bên ngoài khá giống nhau, vào thời điểm đó đang bay trên cùng một hành trình dự kiến đi qua không phận Ukraine.

Vì sao các “thế lực ngầm”muốn loại bỏ Tổng thống Nga Putin trên đường đi dự G20? - Hình 3

Chuyên cơ của ông Putin và chiếc máy bay xấu số của hãng hàng không Malaysia có vẻ ngoài khá giống nhau

Sự việc diễn ra trên không phận ở độ cao 10.000m khi chiếc máy bay chở Tổng thống Nga V.Putin bay qua không phận Ukraine vào lúc 16 giờ 21 theo giờ Matxcơva, còn chiếc máy bay của Malaysia bay qua đó vào lúc 15 giờ 44.

Theo nhận định của ông Alexander Khramchikhin, Phó Giám đốc của Viện nghiên cứu chính trị và quân sự của Nga, việc bố trí cho máy bay của Tổng thống V.Putin tránh bay qua không phận Ba Lan khi đi dự Hội nghị G-20 là một quyết định sáng suốt trong tình hình cực kỳ phức tạp hiện nay.

Ba Lan là nước duy nhất trên thế giới mà lực lượng không quân của họ được trang bị máy bay chiến đấu của cả Nga và Mỹ, trong đó có 48 máy bay F-16, khoảng 30 máy bay MiG-29 và khoảng 30 chiếc máy bay ném bom Su-22 đang hoạt động. Dưới mặt đất, hệ thống phòng không của Ba Lan có một đơn vị tên lửa Patriot của Mỹ và có cả hệ thống tên lửa phòng không S-200 và Krug của Liên Xô trước đây.

Để đối phó với nguy cơ bị tấn công, đội chuyên cơ của Tổng thống Nga V.Putin có 4 máy bay IL-96-300PU mang số hiệu ở đuôi RA-96012, RA-96016, RA-96020 và RA-96021. Tất cả đều được trang bị các phương tiện bảo đảm an ninh tiên tiến nhất như được phủ một lớp bảo vệ dọc theo khung để gây nhiễu radar, hệ thống gây nhiễu chống tên lửa MANPADS và hệ thống phòng không trên máy bay.

Ngoài ra, những máy bay này còn được lắp hệ thống cứu hộ khẩn cấp dành cho yếu nhân bay trên đó. Tất cả các thiết bị này có giá trị đặc biệt quan trọng khi tổng thống bay đến các nước mà ở đó máy bay quân sự hộ tống của Nga không có đủ khả năng đảm bảo an toàn.

Vì sao các “thế lực ngầm”muốn loại bỏ Tổng thống Nga Putin?

Lịch sử sau Chiến tranh lạnh chứng tỏ, lãnh đạo nhiều nước vì không chấp nhận vai trò siêu cường duy nhất lãnh đạo thế giới của Mỹ nên đã bị “nhà nước ngầm” loại bỏ. Nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên bị “nhà nước ngầm” đưa vào điểm ngắm là Tổng thống Nam Tư Milosevich.

Để thực hiện âm mưu này, “nhà nước ngầm” đã dựng lên câu chuyện hoang đường rằng chính quyền của Tổng thống Nam Tư Milosevich “vi phạm nhân quyền”. Để “bảo vệ nhân quyền”, Mỹ và NATO  tuyên bố “nhân quyền cao hơn chủ quyền” nên đã phát động chiến tranh xâm lược Nam Tư năm 1999.

Tuy nhiên, cuộc chiến này rơi vào bế tắc, buộc Mỹ và NATO chấp nhận ngừng bắn và sau đó họ đã phải tiến hành “cuộc cách mạng màu” để lật đổ Tổng thống Milosevich. Chưa hết, sau đó Mỹ đưa ông Milosevich ra xét xử tại Tòa án quốc tế với tội danh “phạm tội ác chống lại loài người”. Sau này, ông được xóa án nhưng lại bị chết một cách bí ẩn trước khi ra tù.

Nhân vật thứ hai là lãnh đạo phong trào Taliban, bị Mỹ cáo buộc “che chở khủng bố” và bị hứng chịu cuộc ném bom rải thảm của NATO và rốt cuộc bị lật đổ vì Taliban không đồng ý cho các công ty của Mỹ lắp đặt đường ống dẫn khí đốt từ các nước Trung Á tới Ấn Độ Dương, đi qua lãnh thổ Afghanistan.

Người thứ ba là Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ngoài chuyện Kuwait, vì có ý định xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu và thanh toán bằng đồng Euro chứ không phải là đồng USD, nên đã bị dính đòn trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1 (1990) và sau đó dính tiếp Cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 2 (2003) với cớ giả tạo “Iraq sở hữu vũ khí hóa học”.

Người thứ tư là Tổng thống Libya, ông Muammar al-Gaddafi-một nhà lãnh đạo không những công khai tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở châu Phi là “hành động xâm lược” mà còn có ý định phát hành đồng tiền Dina bằng vàng lưu hành ở châu Phi mà không dùng đồng đôla của Mỹ.

Với ít nhất là 2 “tội danh” này, Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi đã bị “nhà nước ngầm” cáo buộc “phạm tội ác chống lại loài người”, là “Hitler của thế kỷ XXI” và cũng bị tiêu diệt trong cuộc chiến tranh xâm lược của NATO núp dưới danh nghĩa “thiết lập vùng cấm bay” ở Libya.

Người thứ năm là Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa không chấp nhận hợp tác với các công ty dầu mỏ và khí đốt của Mỹ và Anh, vừa không chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Vì thế, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã bị tấn công bởi “cuộc chiến tranh qua tay người khác” dưới hình thức cuộc chiến khủng bố từ năm 2011 tới nay.

Nhờ ý chí kiên cường chống khủng bố và nhận được sự giúp đỡ của Nga, Iran và lực lượng du kích Hezbollah, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn trụ vững và đang gần đánh bại khủng bố.

Vì sao các “thế lực ngầm”muốn loại bỏ Tổng thống Nga Putin trên đường đi dự G20? - Hình 4

Tổng thống Nga Putin và tổng thống Syria Assad là những cái gai trong mắt các thế lực hiếu chiến phương Tây

Còn Tổng thống Nga V.Putin là người công khai tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do một siêu cường lãnh đạo bởi, theo ông, trật tự đó đi ngược lại chính các giá trị dân chủ mà phương Tây cổ súy. Vì thế mà ông đã bị “nhà nước ngầm” tuyên bố là “kẻ phá hoại trật tự thế giới của Mỹ”.

Thậm chí, lãnh đạo Mỹ còn tuyên bố tại Diễn đàn của Đại hội đồng LHQ năm 2014 rằng “nước Nga của Putin là một trong ba nguy cơ đối với thế giới” cùng với hai nguy cơ khác là đại dịch Ebola và tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS). Một thượng nghị sỹ Mỹ thậm chí còn tuyên bố rằng “Putin còn nguy hiểm hơn cả IS” (!?).

Vì thế mà sau khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Libya và tiêu diệt nhà lãnh đạo nước này, vị thượng nghị sỹ nọ còn đe dọa rằng “Putin sẽ chịu chung số phận của Muammar al-Gaddafi” (!?)

Tư duy coi nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin là “xâm lược” và “nguy cơ đối với thế giới” đã được khẳng định trong các văn kiện lập pháp của Quốc hội Mỹ. Đó là, Nghị quyết của Hạ viện Mỹ số N.758 thông qua năm 2014. Tháng 5/2017, Hạ viện Mỹ thông qua  Đạo luật cấm vận chống lại Syria và các đồng minh của Syria đang viện trợ quân sự cho chính quyền Damas, trong đó có Nga và Iran.

Bởi thế với những “tội danh” như phương Tây luôn cáo buộc, Tổng thống Nga V.Putin dường như còn “xứng đáng” hơn nhiều so với Tổng thống Nam Tư Milosevich, nhà lãnh đạo Taliban, Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi, Tổng thống Iraq Saddam Hussein hay Tổng thống Syria Bashar al-Assad để “được” rơi vào tầm ngắm của “nhà nước ngầm”.

Trong bài trả lời phỏng vấn đạo diễn điện ảnh Mỹ Oliver Stone, Tổng thống Nga V.Putin cho biết ông đã không ít lần bị ám sát hụt.

Vì sao lại là lúc này, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20?

Đối với “nhà nước ngầm”, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump-một người đã từng tuyên bố sẽ dọn sạch “vũng lầy ở Washington”, sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, hay hợp tác kinh tế, sẽ là thảm họa.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn đạo diễn điện ảnh Mỹ Oliver Stone, Tổng thống Nga V.Putin nhận định rằng, trước đây Tổng thống Mỹ Kennedy đã từng bị “nhà nước ngầm” sát hại và ông Trump cũng làm thế lực này rất khó chịu. Do đó, họ bằng mọi thủ đoạn ngăn cản mối quan hệ hợp tác giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga V.Putin.  

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay ở Hamburg, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch gặp và đối thoại với Tổng thống Nga V.Putin. Đây là điều mà “nhà nước ngầm” không thể nào chấp nhận và có thể họ muốn dàn dựng âm mưu bắn hạ Chuyên cơ số 1 của Tổng thống Nga V.Putin.

Vì sao các “thế lực ngầm”muốn loại bỏ Tổng thống Nga Putin trên đường đi dự G20? - Hình 5

Bất chấp nhiều trở lực, cuộc gặp giữa hai tổng thống Putin và Trump đã diễn ra suôn sẻ

Kịch bản có thể là: một khi Tổng thống Nga V.Putin bị ám hại, lực lượng của Mỹ đã triển khai sẵn xung quanh Syria sẽ tấn công ồ ạt để tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ở Biển Đen, lực lượng hải quân Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc tập trận chung với quân đội Ukraine sẽ tái chiếm Crimea và Miền Đông hiện do các lực lượng đối lập kiểm soát.

Ở Đông Âu, lực lượng của NATO đã triển khai sẵn sẽ ồ ạt đánh chiếm vùng Kaliningrad mà họ cho rằng không phải của Nga. Chỉ cần hoàn thành những nhiệm vụ đó, tình hình nội bộ Nga sẽ rối loạn và NATO sẽ không cần đánh tiếp cũng thắng.

NATO sẽ hết sức tránh cuộc chiến tranh tổng lực với Nga bởi nếu điều đó xảy ra cũng đồng nghĩa với sự hủy diệt của cả hai bên. Tuy nhiên, ông Paul Craig Roberts, nguyên cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cảnh báo không loại trừ kịch bản này.

Theo ông, Mỹ đã có kế hoạch tiến hành cuộc tấn công phủ đầu chớp nhoáng nhằm vào Nga, trước hết là nhằm làm tê liệt toàn bộ hệ thống chỉ huy và điều hành quốc gia của Matxcơva để tránh đòn tấn công trả đũa.

Đại tá Lê Thế Mẫu - Viettimes