Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 81 vụ, Cầu Giẽ - Ninh Bình có 43 vụ, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 17 vụ và cao nhất là Đà Nẵng - Quảng Ngãi với 124 vụ.
“Các sự cố giao thông trên tuyến ngay lập tức đều được đơn vị vận hành và lực lượng chức năng khẩn trương giải phóng hiện trường, phối hợp điều tiết giao thông hiệu quả…”, đại diện VEC cho hay.
Riêng đối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, trao đổi với VietNamNet, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, hai tuần gần đây (sau đợt xảy ra nhiều xe nổ lốp), tình trạng này đã giảm đáng kể.
“Có lẽ do sau đợt đó có rất nhiều cảnh báo nên chủ phương tiện cũng cẩn trọng hơn. Ngoài ra thời tiết 2 tuần gần đây cũng dịu hơn nên hiện tượng nổ lốp đã giảm đáng kể”, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nói.
Chỉ ra nguyên nhân nổ lốp khi xe lưu thông, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, có ba nguyên nhân dẫn đến xe nổ lốp: Lốp quá hạn sử dụng, chở quá tải, lốp không đảm bảo tiêu chuẩn như quá non, quá căng.
“Một trong ba nguyên nhân nêu trên nếu kèm với thời tiết nắng nóng nhiệt độ cao, hay tài xế phải xử lý tình huống bằng cách phanh gấp gây ra nổ lốp ngay” - ông Oánh nói.
Đối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Oánh cho biết trước đây khi còn thu phí thủ công, đã có xe bị nổ lốp do tài xế thực hiện thao tác phanh gấp ở trạm thu phí để trả phí. Tuy nhiên, từ khi triển khai thu phí tự động không dừng, tình trạng nổ lốp ô tô khu vực trạm thu phí gần như không xảy ra.
Anh Bùi Mạnh Quyền là một người dạy lái xe lâu năm cho rằng, trước khi nổ, lốp thường có dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn, lốp sắp nổ thường sẽ có những vết nứt, bong tróc, phồng rộp (gọi là phù lốp, phình lốp), hay lốp bị mòn nghiêm trọng. Hầu hết những hiện tượng này có thể quan sát bằng mắt thường.
“Khi lốp sắp nổ cũng sẽ bắt đầu mất độ ổn định. Việc mất ổn định sẽ ảnh hưởng đến việc điều khiển xe. Từ đó, cả xe bắt đầu "loạng choạng", anh Quyền cho hay.
Thiên Trường (t/h)