THCL Viện lúa đồng bằng sông Cửu long, một trong những tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ sinh học và nông nghiệp đã được lựa chọn để trao tài trợ trong đợt đầu tiên.

Ngày 29/12/2015, tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và Công nghệ - FIRST và Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác tài trợ đề xuất “Làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có các đặc tính nổi trội và giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long” với tổng giá trị hợp đồng lên tới 66 tỷ VNĐ, tương đương hơn 3 triệu USD.

Thông qua việc thực hiện dự án này, Viện lúa đồng bằng sông Cửu long sẽ làm chủ công nghệ chọn tạo giống lúa để tạo ra được một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi rộng và chống chịu được sâu bệnh. Kết quả đạt được thông qua gói tài trợ  sẽ hỗ trợ Viện lúa đồng bằng sông Cửu long chuyển đổi thành công mô hình hoạt động thành một viện nghiên cứu tự chủ hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và là một trong số 30 viện nghiên cứu  đạt đẳng cấp khu vực.

Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ - FIRST” là dự án đầu tiên về Khoa học và Công nghệ do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Mục tiêu của dự án là là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng.

Một trong những hợp phần quan trọng của dự án FIRST là hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc chuyển đổi từ mô hình quản lý hành chính “truyền thống” sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo cơ chế quản lý dựa vào kết quả đầu ra, gắn kết hữu cơ với thị trường và xem nhu cầu của doanh nghiệp là động lực cho hoạt động R&D của tổ chức. Dự án sẽ tài trợ cho các tổ chức KH&CN có hiệu quả hoạt động cao thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên: Cơ khí chế tạo và tự động hóa; Công nghệ sinh học và nông nghiệp; Vật liệu mới; Công nghệ thông tin và truyền thông. Việc tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập được thực hiện theo quy trình đánh giá công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí cụ thể và chia thành 3 đợt. Đợt đầu, dự án đã tiến hành đánh giá, lựa chọn một số tổ chức hoạt động trong 2 lĩnh vực: Cơ khí chế tạo và tự đông hóa và Công nghệ sinh học và nông nghiệp để trao tài trợ.

T.Hà (Thương hiệu và Công luận)