Tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết bởi đang bước vào cơ cấu dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-19 tuổi). Điển hình, tại hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030 do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến thời điểm này, phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo
Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ rõ.
Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế thì các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Mức thu nhập của người dân còn thấp nhưng vẫn giữ tâm lý muốn mua để có sở hữu chú không thích thuê nhà ở.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá nhà ở các thành phố lớn vẫn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân khiến người có thu nhập trung bình và những người trẻ tuổi còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, về lâu dài, người dân cần thay đổi quan điểm sở hữu nhà ở sang có chỗ ở (thuê nhà). Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới và đang dần phổ biến tại Việt Nam.
Chuyên gia đến từ Hàn Quốc chia sẻ, từ những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống nhà ở xã hội bằng cách đầu tư vốn vào Công ty Nhà ở; đồng thời thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về phát triển nhà ở diện tích nhỏ để điều tiết cho các gia đình có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ bình ổn thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp bằng cách tăng cường nguồn cung nhà, siết chặt hoạt động đầu cơ bất động sản... Nhờ các biện pháp này, hiện nay đa số người dân Hàn Quốc đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng.
Theo Tiến sỹ Moon Hyogon – Giám đốc dự án PMC xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam, đối tượng hưởng lợi chính sách là các hộ gia đình thu nhập thấp ở thành thị và công nhân lao động khu công nghiệp.
Mục tiêu của đề án là xây dựng chiến lược nhà ở xã hội trong chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 và sửa đổi Luật Nhà ở để thực hiện chiến lược.
Dự án sẽ phân tích rõ các điều kiện phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam về nhu cầu nhà ở trong quá trình đô thị hóa; chính sách pháp luật, thể chế của Việt Nam trong phát triển nhà ở của Việt Nam hiện nay.
Tiến sỹ Moon Hyogon cho rằng, Việt Nam cần áp dụng một hệ thống tài chính nhà ở bền vững vì nhu cầu này đang gia tăng. Ngoài ra, để cung cấp một lượng nhà ở xã hội lớn cần phải sử dụng cả nguồn tài chính tư nhân và vốn nước ngoài.
Trúc Mai