"Trải qua 03 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, đây có thể xem là một điểm sáng, là động lực quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển", bà Minh cho hay.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức 3,2% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. 

Bên cạnh đó, các nền kinh tế toàn cầu có sự đồng thuận nhiều hơn về các ý tưởng không gian mới cho tăng trưởng kinh tế như chuyển đổi xanh gắn với mục tiêu bền vững; sự hợp tác giữa các nền kinh tế thông qua các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP… 

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM Ảnh Toquoc.vn
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM Ảnh Toquoc.vn.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh cho rằng, việc các xung đột địa chính trị trên thế giới kéo dài có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi kinh tế phục hồi và mức độ phục hồi của chuỗi cung ứng. Tư duy kinh tế nhiều nước nhấn mạnh độc lập, tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế bên ngoài. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, đây sẽ là rào cản cho giao thương giữa các nước và gia tăng chủ nghĩa bảo hộ ở các nước.

Ngoài ra, các rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế vĩ mô có xu hướng gia tăng, nhiều nền kinh tế đang đối mặt với áp lực lạm phát cao. Đây sẽ là một trong thách thức trong năm 2023 mà Chính phủ, doanh nghiệp người dân sự nỗ lực lớn để vượt qua.

"Xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD cũng gây bất ổn cho nỗ lực ổn định tài khóa cho khu vực Châu Á, cũng như tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài", bà Minh nhận định.

Trong khi đó, bối cảnh kinh tế trong nước cho thấy, tư duy chuyển đổi điều hành từ mục tiêu kép sang thích ứng an toàn linh hoạt, đặc biệt là sau Nghị quyết 128, đang được thực hiện một cách uyển chuyển và tạo tác động tốt. Trên thực tế, điều này thể hiện trong kết quả kinh tế quý III, dự báo quý IV Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng khả quan; và đặc biệt là xuất khẩu gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh internet
Việt Nam đã thích ứng linh hoạt để vượt qua những khó khăn kinh tế trong bối cảnh phức tạp. Ảnh internet.

“Có thể thấy, Việt Nam đã có sự thích ứng linh hoạt để vượt qua những khó khăn trong bối cảnh phức tạp”, bà Minh nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng CIEM, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì cải cách gắn liền phục hồi, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, quá trình cải cách phải thực hiện liên tục trong suốt quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, trong quá trình phục hồi cần xem xét lại vai trò của Nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển. 

Theo bà Minh, cần tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực trong bối cảnh mới. Phải có cơ chế để người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà Minh cho rằng, phải hoàn thiện nhiều chính sách, trong đó chính sách cạnh tranh là chính sách quan trọng để nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh mới.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cần phải thực hiện hiệu quả. Chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài còn bộc lộ một số hạn chế mang tính cỗ hữu. Việt Nam cần tăng cường sự tham gia và hưởng lợi của các tầng lớp khi tham gia các Hiệp định Thương mại thế hệ mới, tăng cường các kênh thông tin kết nối để cộng đồng doanh nghiệp hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thì, hiện nay những bất ổn bên ngoài đang gây ra những khó khăn chung cho nền kinh tế Việt Nam và đã có những tác động đến chính sách điều hành vĩ mô và môi trường kinh doanh.

Do đó, để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn, ông Việt nhận định, chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên hàng đầu. 

Ông Việt cho rằng, thực tế cho thấy, khi có những khó khăn, bất ổn cần phải đương đầu thì những biện pháp cải cách là rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Việt lưu ý  3 yếu tố rủi ro cần phải lưu ý trong quá trình cải cách để xây dựng các biện pháp phòng ngừa.

Cụ thể, Tiến sỹ Việt phân tích: Không nên có sự can thiệp đột ngột, đặc biệt là các can thiệp có tính chất phi thị trường. Bên cạnh đó, cần lưu ý những rủi ro về tự do hợp đồng và quyền tài sản. "Đây là những yếu tố rủi ro mà cả doanh nghiệp và Chính phủ cần lưu ý chặt chẽ trong bối cảnh hiện tại. Và để vượt qua những rủi ro này, không có gì khác hơn là phải dựa vào các thông lệ quốc tế, những Hiệp định thương mại, Hiệp định đầu tư Việt Nam đã ký kết", ông Việt nhấn mạnh. 

Trong bối cảnh khó khăn, những người lao động trong các doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất và cần được quan tâm hơn nữa. Do đó, ông Việt cho rằng, nếu lạm phát gia tăng cùng những bất ổn vẫn còn kéo dài sang năm 2023, bên cạnh các gói hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần phối hợp với các bên để có những gói an sinh xã hội cho người lao động.

Để vượt qua khó khăn khủng hoảng rủi ro, các thông tin của doanh nghiệp, các thông tin về chính sách cần kịp thời hơn, cần được minh bạch hơn, rõ ràng hơn để các cơ quan nghiên cứu có những số liệu thật về tình hình của doanh nghiệp. Từ đó có những phản ánh đến các cơ quan bộ ngành trung ương để có những dự báo phù hợp với thực tiễn, giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió, thách thức của năm 2023. 

Thạch Thảo (t/h)