Thuỵ Sỹ một lần nữa được đánh giá là quốc gia có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới trong việc thu hút nhân tài - theo Chỉ số Cạnh tranh nhân tài toàn cầu (Global Talent Competitiveness Index) 2023 do Trường Kinh doanh INSEAD công bố mới đây. Báo cáo của INSEAD ghi rõ: Thuỵ Sỹ đã giữ vị trí này suốt 10 năm liên tiếp, nhờ “mức độ bảo vệ xã hội cao” và chất lượng môi trường tự nhiên tuyệt vời.

Thành phố Zurich của Thuỵ Sỹ - Ảnh: Reuters.
Thành phố Zurich của Thuỵ Sỹ. Ảnh Reuters.

Singapore đứng ở vị trí thứ hai trong xếp hạng, được đánh giá cao về lực lượng lao động trình độ cao và nền kinh tế có độ sáng tạo lớn. Tiếp theo là Mỹ - quốc gia đã tăng một bậc trong xếp hạng năm nay, sau khi đứng ở vị trí thứ 4 trong xếp hạng năm 2022.

Danh sách mà INSEAD đưa ra xếp hạng 134 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ thu hút, phát triển và giữ chân nhân lực chất lượng cao. Top 10 quốc gia của xếp hạng đã duy trì ổm định trong thập kỷ qua, trong đó Thuỵ Sỹ và Singapore liên tục giữ hai vị trí đầu bảng, được đánh giá là “những quốc gia đi đầu rõ rệt”.

“Trong thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến mối liên kết không lay chuyển giữa sự giàu có của một quốc gia và sức cạnh tranh thu hút nhân tài của quốc gia đó. Những nước giàu hơn tiếp tục có sức hút mạnh mẽ hơn các nước nghèo về mặt thu hút nhân tài”, báo cáo nhấn mạnh.

Các quốc gia Châu Âu khác cũng chiếm vị trí cao trong xếp hạng. Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy và Thuỵ Điển lần lượt đứng ở các vị trí thứ 4, 5, 6,7 và 9.

Những quốc gia khác cần phải kể đến là Australia ở vị trí thứ 8 và Anh quốc ở vị trí thứ 10. Trong top 15 còn có Luxembourg, Ireland, Canada, Đức, và Iceland. Trung Quốc tăng từ vị trí 47 của năm ngoái lên vị trí 40 trong xếp hạng năm nay.

Ảnh internet.
Việt Nam đứng ở vị trí 75 trong bảng xếp hạng toàn cầu về thu hút nhân tài. Ảnh internet.

Việt Nam đứng ở vị trí 75 trong xếp hạng, sau Mexico và đứng trên Mông Cổ. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đứng trên Thái Lan vị trí 79, Indonesia vị trí 80, và Philippines vị trí 84, nhưng đứng sau Singapore (2), Brunei (41) Malaysia (42).

Ấn Độ, quốc gia được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030, đứng ở vị trí 103. Theo INSEAD, vị trí thấp này của Ấn Độ xuất phát từ “sự sụt giảm niềm tin kinh doanh”, nhân tố khiến quốc gia tỷ dân giảm khả năng thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước. “Điều này cũng dẫn tới chênh lệch kỹ năng ngày càng lớn, và khó khăn lớn hơn trong việc tìm kiếm lao động trình độ cao”, theo báo cáo.

Chuyên gia của INSEAD nhận định: Cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài giữa các quốc gia sẽ trở nên khốc liệt hơn trong thập kỷ tới, khi những bấp bênh và căng thẳng trong quan hệ quốc tế tiếp tục diễn ra trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và chính trị. “Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều hơn, thay vì ít hơn các cuộc chiến giành giật nhân tài”, báo cáo viết, cho rằng chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững sẽ là một “tài sản quan trọng” để các quốc gia thiết lập vị thế trung tâm thu hút nhân tài.

Hoàng Vũ (t/h)