Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia năm 2020: Tiến độ 5 năm thực hiện SDG (Báo cáo SDGs quốc gia 2020), do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 21/10. Báo cáo góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu về các mục tiêu SDG và là một phần quan trọng trong chu trình giám sát, cũng như đánh giá việc thực hiện SDG tại Việt Nam.
Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017. Theo đó, Kế hoạch đưa ra 17 SDG với 115 mục tiêu cụ thể trên cơ sở quốc gia hóa các SDG toàn cầu để phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển của Việt Nam.
Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng nhóm xây dựng báo cáo cho biết, Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 SDG vào năm 2030. Đó là mục tiêu 1 về xóa nghèo, mục tiêu 2 về xóa đói, mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng, mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu, mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT), nước ta cần hết sức nỗ lực mới có thể đạt 12 mục tiêu còn lại vào năm 2030, đặc biệt là rất khó để thực hiện 2 mục tiêu là sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển.
Biến thách thức thành hành động và cơ hội
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Viện Hanns Seidel của CHLB Đức tại Việt Nam (đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình xây dựng Báo cáo SDGs quốc gia 2020) cho biết, Báo cáo SDGs quốc gia 2020 được soạn thảo trong bối cảnh có nhiều thách thức trong quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của dân số toàn cầu, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện của chương trình phát triển bền vững.
Hy vọng Báo cáo là cơ sở cho các thảo luận về cách thức phục hồi sau đại dịch, ông Michael Siegner tin tưởng Việt Nam đã và đang thu hẹp khoảng cách, hướng tới các mục tiêu năm 2030 và sẽ tiến bộ đều đặn trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững.
Để duy trì thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Việt Nam cần biến thách thức thành hành động và cơ hội, tiếp tục huy động sự tham gia của các bên liên quan một cách tích cực và hiệu quả hơn để quyết tâm đạt được SDG vào năm 2030.
Liên quan đến những định hướng chính sách giai đoạn 5 năm tới, một số khuyến nghị đã được đưa ra tại Báo cáo.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Thứ hai, tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện SDG. Thứ ba, huy động và sử dụng nguồn lực tài chính một cách hiệu quả. Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Thứ năm, tăng cường khả năng chống chịu trước các rủi ro bất định từ biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Và cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia.
Theo CP