Lễ xuất quân bảo vệ IPU-132: Triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự
Bảo đảm cung ứng điện phục vụ IPU
Phân luồng giao thông phục vụ IPU 132
Chi Cục VSATTP Hà Nội: Bảo đảm an toàn thực phẩm cho Hội nghị IPU- 132
Đó là chủ đề chính của IPU 132 - đã nhận được sự đồng thuận của các nước và sự nhất trí của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132, hài hòa lợi ích quốc gia với khu vực và quốc tế.
Nội dung sâu rộng
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, chương trình nghị sự của kỳ họp Đại hội đồng IPU có nội dung rất sâu rộng, toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực về hòa bình an ninh, chính trị, dân chủ, kinh tế, xã hội, môi trường… Đây là diễn đàn mang tính toàn cầu, nơi các nghị sỹ thảo luận và góp phần thể hiện tiếng nói của nghị viện về các vấn đề cấp thiết trên thế giới và những vấn đề có mối liên hệ với chương trình nghị sự của LHQ. Ban tổ chức đã chuẩn bị, nghiên cứu và đề xuất chủ đề thảo luận chung của Đại hội đồng IPU-132 và đã được Liên minh Nghị viện thế giới nhất trí đó là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, cuộc sống của hàng chục triệu người nghèo Việt Nam được cải thiện rõ rệt
Đây là chủ đề lớn mang tính trọng tâm, vừa đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà các thành viên LHQ đã cam kết mạnh mẽ từ năm 2000, vừa đề ra những khuôn khổ cho sự phát triển tiếp theo, thu hút sự quan tâm của hầu hết các nghị viện, nghị sỹ của các quốc gia. Các mục tiêu phát triển bền vững nhằm thay thế các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ khi những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã hoàn tất vào năm 2015, bao gồm 17 mục tiêu và 169 nhiệm vụ bao trùm các lĩnh vực phát triển bền vững như xóa đói nghèo, nâng cao giáo dục đào tạo và sức khỏe, xây dựng các thành phố phát triển bền vững hơn, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và đại dương…Các Nghị viện có vai trò then chốt trong việc thực hiện những mục tiêu vì những lý do sau: Thứ nhất, đó là các cơ quan lập pháp, giúp đưa những cam kết tự nguyện này vào các văn bản luật để thi hành. Thứ hai, nghị viện là cơ quan giám sát, giúp thúc đẩy chính phủ các nước có trách nhiệm hơn đối với những chính sách ban hành và bảođảm những chính sách này phù hợp với các mục tiêu đã đề ra. Thứ ba, nghị viện là cơ chế đại diện, kết nối với người dân, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân về những chính sách được triển khai; quan trọng hơn cả, nghị viện có vai trò thông qua ngân sách và pháp luật liên quan đến tài chính, thương mại và các chính sách giúp huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững…
Cơ hội tuyệt vời…
Để phát huy vai trò và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà đăng cai Đại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã đề xuất một số sáng kiến và cũng được Liên minh Nghị viện thế giới nhất trí như thảo luận chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước” tại Ủy ban về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại. Việt Nam hiện cũng chuẩn bị và thảo luận với phía Ban Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới về nội dung văn bản của Đại hội đồng IPU-132, dự kiến là Thông cáo hoặc bản Tuyên bố Hà Nội. Ngoài những sáng kiến, đề xuất này, Việt Nam cũng sẽ tham gia vào các Nghị quyết của Đại hội đồng trên các lĩnh vực khác của Liên minh Nghị viện thế giới.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cam kết biến lời nói thành hành động là một giá trị quan trọng đối với Quốc hội vì Quốc hội là cơ quan đại diện cho người dân, thực hiện cam kết với dân, tổ chức đối thoại với dân để quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ quan hệ với dân phải được thiết lập vững vàng, trên cơ sở đó hiện thực hóa các chính sách một cách tốt hơn.
Đánh giá về công tác chuẩn bị Đại hội đồng IPU-132 của nước chủ nhà Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ngài John Nielsen cho rằng, Đại hội đồng IPU-132 là một trong những hội nghị lớn nếu không nói là lớn nhất trong các hội nghị quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Quá trình chuẩn bị đã diễn ra hàng tháng, công tác hậu cần cũng như công tác tổ chức của hội nghị được bảođảm bởi sự điều hành của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam…
Đại sứ Australia, Hugh Borrowman nói, những sự kiện lớn như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới mang lại nhiều thách thức cho chính phủ các nước chủ nhà và “Việt Nam đang chấp nhận thách thức nhằm tổ chức sự kiện lớn nhất chưa từng thấy của mình”.
Ông Hugh Borrowman bày tỏ:“Tôi xin có lời khen ngợi Quốc hội và Chính phủ Việt Nam vì những cố gắng nhằm bảođảm thành công cho sự kiện”.
Đến với Đại Hội đồng IPU-132, nghị viện và nghị sỹ các nước trên thế giới sẽ được chứng kiến những thành tựu kinh tế xã hội nổi bật của Việt Nam qua 30 năm đổi mới, thấy rõ một nền ngoại giao nghị viện Việt Nam trưởng thành, ngày càng phát triển toàn diện và cũng là cơ hội để trải nghiệm, khám phá về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và yêu chuộng hòa bình.
Thanh Bình