Trước đó vào sáng mùng 01 Tết, lô hàng đầu tiên gồm 10 xe chôm chôm, xoài, mít được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Kim Thành, tỉnh Lào Cai.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, từ ngày 01/01 đến 21/01, tổng kim ngạch hàng nông sản xuất khẩu làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đạt  64,6 triệu USD, trong đó, xuất khẩu là 40 triệu USD, nhập khẩu 24,6 triệu USD. Tổng lượng hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc là hơn 36.100 tấn gồm thanh long, xoài, mít, chuối, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, chanh, lạc nhân, sầu riêng và hoa cúc tươi… Trong đó, thanh long là mặt hàng quả tươi có lượng xuất khẩu lớn nhất với hơn 9.200 tấn, chuối tươi với hơn 6.000 tấn, dưa hấu trên 4.300 tấn và gần 6 triệu cành hoa cúc tươi.

Cũng trong ngày mùng 01 Tết, hàng chục chuyến xe chở hàng Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành.

Liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) từng nhận định, 2022 là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay của rau quả Việt Nam, với nhiều mặt hàng tiếp cận được các thị trường cao cấp, khó tính. Đơn cử, nhãn lồng mở cửa được thị trường Nhật Bản; chuối tươi, sầu riêng, khoai lang, canh leo được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; New Zealand mở cửa cho chanh, bưởi,...

Việc này giúp các loại rau quả của Việt Nam đường đường chính chính sải bước ra thế giới. Hình thức buôn chuyến, tiểu ngạch dần được xóa bỏ, kim ngạch xuất khẩu rau quả dần phục hồi và bắt đầu tăng trưởng ổn định...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đó là thành quả rất đáng tự hào. Tự hào không chỉ nằm ở con số mà còn là sự đánh giá cao, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp. Hay nói cách khác, nó làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp.

Trước những dự báo khó khăn của năm 2023 khi lạm phát toàn cầu bắt đầu thẩm thấu, lan tỏa đến các quốc gia có độ trễ lớn hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Khi thế giới thay đổi thì chúng ta cần phải có chiến lược để chủ động thích ứng. Tuy nhiên, những khó khăn này không lớn bằng các quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn. Tôi muốn nói rằng đó là sức ép phải thay đổi. Nhưng trước sức ép thay đổi đó, nếu chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và biết đâu lại là cơ hội để xây dựng hình ảnh một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, người ta bắt mình thay đổi và những thay đổi này không phải cho người ta, mà cho chính bản thân mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: "Thị trường Trung Quốc đã rất "khó tính". Họ khó tính vì thành phần trung lưu của Trung Quốc rất lớn với 500 triệu người, yêu cầu chất lượng hàng hóa họ áp dụng với tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Hàng rào kỹ thuật họ tạo nên là để bảo vệ sức khỏe người dân của họ và đây chính là cơ hội để chúng ta thay đổi, tìm kiếm thị trường ở phẩm cấp cao hơn. Có thể ban đầu có khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn, khi xuất khẩu chính ngạch có sự hỗ trợ của Nhà nước hai bên, của các cơ quan chức năng hai nước thì những rủi ro trước đây sẽ không còn nữa".

Lê Pháp (T/h)