THCL Báo cáo Kiểm toán năm 2014 chỉ rõ, Viettel dẫn đầu về số nợ phải thu quá hạn: Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu). Một số đơn vị thuộc Viettel chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu. Viettel quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, còn để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển: 712,87 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị này chưa hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty CP Công nghệ Viettel và Công ty CP Phát triển thương mại Vinaconex - Viettel.

Gia hạn HĐ cũ để “giải oan”?

Lý giải cho những tồn tại nói trên, theo ông Nguyễn Cao Lợi, Phó tổng giám đốc Tài chính TCT Viettel Global: “Khoản tiền 1.960 tỷ đồng không nên hiểu là “nợ xấu”, bởi đây thực chất là khoản đầu tư thực hiện thông qua hình thức bán thiết bị trả chậm cho các công ty con của VTG ở các thị trường. Phương án đầu tư bằng cách cho vay bán thiết bị trả chậm và cho vay cổ đông là cách mà Viettel lựa chọn khi đầu tư ra các thị trường nước ngoài, bởi phương án này có lãi xuất thấp hơn so với phương án vay ngân hàng, giảm bớt được sức ép lên các công ty con, tạo điều kiện cho những công ty này phát triển tốt trong thời gian đầu, đồng thời đảm bảo cho Viettel Global rút tiền về nhanh hơn. Bên cạnh đó, Viettel Global cũng mua được thiết bị trả chậm từ các đối tác, nên việc bán thiết bị trả chậm cho các thị trường không làm mất cân đối tài chính tổng công ty.

Lý do khoản tiền 1.960 tỷ đồng trên giấy tờ bị đánh giá là nợ xấu là bởi sự tính toán chưa linh hoạt trong quá trình xây dựng hợp đồng ở các thị trường khác nhau. Thị trường đầu tiên mà Viettel đầu tư là Campuchia gặp nhiều thuận lợi nên việc thu hồi vốn rất nhanh. Với các thị trường đầu tư sau, Viettel dựa trên thời gian thu hồi vốn của thị trường Campuchia để xây dựng hợp đồng nhưng trên thực tế mỗi thị trường lại có những đặc thù khác nhau.

Viettel hiện đang đầu tư ở 9 quốc gia thuộc 3 châu lục với những đặc tính thị trường riêng biệt, do đó, ở mỗi thị trường, thời hạn hợp đồng phải được tính toán phù hợp để hoạt động kinh doanh của các công ty con đi vào ổn định, có lãi, sau đó mới đến giai đoạn thu hồi vốn đầu tư. Để khắc phục vấn đề này, với các hợp đồng mua bán thiết bị được ký kết sau tháng 3/2015 của VTG, thời hạn hợp đồng đã được quyết định dựa trên đặc tính của từng thị trường, phù hợp với thời gian khấu hao của thiết bị, vì vậy, các hợp đồng cũ cũng đã được gia hạn để “giải oan” cho các các số liệu mà báo cáo kiểm toán đã nêu.

“Hết 2015 sẽ hoàn thành thoái vốn”

Về vấn đề một số đơn vị thuộc Viettel chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu, đại diện Viettel cho biết: Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, 2/13 Công ty con do Tập đoàn sở hữu trên 50% vốn chưa ban hành quy chế quản lý nợ phải thu. Việc quản lý nợ phải thu tại các đơn vị này được thực hiện theo các quy định về quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do các bên tham gia đóng góp đề cập trong quy chế quản lý tài chính, điều lệ hoạt động của Công ty cổ phần và các quy chế khoán cho cán bộ công nhân viên có liên quan. Các khoản nợ phải thu khó đòi được theo dõi và trích lập dự phòng theo đúng quy định về quản lý tài chính của Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, 2 đơn vị đã thực hiện xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ phải thu vào thời điểm cuối năm 2014, ngay sau khi Kiểm toán Nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán.

Còn về quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển: 712,87 tỷ đồng, theo đại diện của Viettel, dựa trên số dư dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2013, Kiểm toán Nhà nước đã thu thập các tài liệu về giá trị hàng hóa cần phải trích lập dự phòng là 712,87 tỷ đồng chiếm 6,3% tổng giá trị hàng hóa tồn kho. Trong số này, phần lớn giá trị là vật tư, hàng hóa dự trữ bắt buộc của Công ty con của Tập đoàn để thực hiện bảo hành công trình và đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh bán lẻ diễn ra liên tục và không bị gián đoạn.

Việc chưa hoàn thành thoái vốn tại Công ty CP Công nghệ Viettel và Công ty CP Phát triển thương mại Vinaconex. Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 17/05/2013, đến hết năm 2015 Viettel phải thoái vốn tại 05 đơn vị, trong đó theo lộ trình có 02 đầu mối là Công ty CP Công nghệ Viettel và Công ty CP Phát triển Thương mại Vinaconex thoái vốn trong năm 2013.

Do ảnh hưởng của thị trường bất động sản khó khăn và thủ tục giải thể công ty cổ phần phức tạp, thời gian kéo dài vì vậy Viettel đã báo cáo lên Bộ gia hạn thời gian thoái vốn sang năm 2014. Kết quả: đến cuối năm 2014, Viettel đã thoái vốn thành công 02 khoản đầu tư trên bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn đầu tư. Các khoản thoái vốn khác hiện nay Viettel vẫn đang triển khai các bước theo đúng lộ trình và dự kiến đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch.

Hà Quyền ( Thương hiệu & Công luận)