Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt trên 54 nghìn tỷ đồng, tăng 20,05% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt trên 48 nghìn tỷ đồng, tăng 20,07%.
Những con số này đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành thương mại - dịch vụ sau khi dịch Covid -19 được kiểm soát tốt. Cũng theo đó, thị trường Tết năm nay được kỳ vọng sẽ sôi động hơn hẳn so với Tết Nhâm Dần 2022.
Để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ trước trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng lưu thông trên thị trường, mới đây, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Vấn đề bình ổn thị trường thời gian này được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng.
Vấn đề bình ổn thị trường thời gian này được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chú trọng.


Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cần phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và năng lực sản xuất kinh doanh của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh, dự trữ lượng hàng hóa tăng 10 -15% so với các tháng trong năm để đảm bảo nhu cầu thị trường. Nhất là với các hàng hóa thiết yếu, tránh không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.
Riêng với mặt hàng thịt lợn, do cuối năm là mùa Đông, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, các Doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn cần có kế hoạch làm việc với các trang trại, cơ sở chăn nuôi để có nguồn cung thịt lợn đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa. Trường hợp thiếu hụt nguồn cung cần có kế hoạch chuẩn bị đối với mặt hàng có thể thay thế như thịt bò, thịt gia cầm, thủy cầm, hải sản.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp; chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn.
Bên cạnh vấn đề về cân đối cung cầu, tình hình sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại cũng được dự báo sẽ diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trong những tháng cuối năm 2022, dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022.

Do đó, từ cuối tháng 10/2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Yêu cầu các ngành, lực lượng chức năng, và chính quyền địa phương các cấp phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.
Cụ thể, từ nay đến hết quý I/2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng vận chuyển các mặt hàng cấm như: tiền giả; pháo các loại; gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch; hàng tiêu dùng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân; mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng.
Đồng thời, tập trung kiểm tra việc sản xuất, bày bán trái phép các loại hàng hóa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện và triệt phá các tụ điểm tập kết, cất giấu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả.
Ngoài ra, trước lo ngại về tình trạng sốt giá mỗi dịp Tết, Sở Công Thương tỉnh cũng đã giao thanh tra sở tăng cường công tác quản lý kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị sản xuất kinh doanh cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng sẽ góp phần quan trọng bình ổn thị trường cuối năm 2022 cũng như dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và mang đến cái Tết đủ đầy, tươi vui cho mỗi gia đình.

Đức Nam