Đoàn công tác do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ làm trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn có ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo một số bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc tiếp và làm việc với đoàn gồm có bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi kiểm traPhó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi kiểm tra

Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì khẳng định: Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành trên cơ sở bảo đảm việc gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện của 825 thủ tục hành chính; kiện toàn và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 100% sở, ngành; áp dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp...  Hiện 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phó đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet; việc xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng được triển khai đồng bộ đến 20/20 sở, ban, ngành, 9/9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn; đã có 366 danh mục thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã giảm 3 chi cục, 44 phòng chuyên môn thuộc sở, 14 phòng chuyên môn thuộc chi cục, 145 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, giảm 10 phòng chuyên môn cấp huyện và 143 thôn, tổ dân phố. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh giảm 1.714 chỉ tiêu biên chế; thu hút 56 trường hợp đã qua đào tạo vào bộ máy hành chính nhà nước và hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng đối với 119 sinh viên thi đỗ hệ chính quy các trường đại học Y, Dược theo chính sách thu hút người tài.

Thực hiện các chính sách dân tộc, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 tỉnh Vĩnh Phúc đã  bố trí 28,5 tỷ đồng từ ngân sách để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn khoảng 5,5; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 12%. Toàn tỉnh đã cấp hơn 22.000 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, một số xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Vĩnh Phúc đang phấn đấu hết năm 2020 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra tại các Đề án, Chương trình liên quan đến chính sách dân tộc.

Đoàn công tác tham quan mô hình kinh tế của gia đình bà Lý Thị Man, xã Đạo Trù, huyện Tam ĐảoĐoàn công tác tham quan mô hình kinh tế của gia đình bà Lý Thị Man, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo

Tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã làm rõ thêm kết quả đạt được cũng như những mục tiêu, định hướng tỉnh đã đặt ra để phát triển kinh tế nói chung và thực hiện Chương trình cải cách hành chính nói riêng. Đồng chí đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện. Cần có thêm những cơ chế, chính sách riêng dành cho những tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhằm tái đầu tư phát triển xã hội, nhất là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nâng cao khả năng sáng tạo, hăng say lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sau khi nghe thành viên Đoàn công tác đánh giá kết quả tỉnh đạt được trong cải cách hành chính, thực hiện chính sách dân tộc và làm rõ một số nội dung tỉnh đề xuất, kiến nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao kết quả Vĩnh Phúc đã đạt được, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, thực hiện các chính sách dân tộc trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và tâm lý, đời sống của nhân dân.

Đồng chí nhấn mạnh: Vĩnh Phúc là tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia, vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng đời sống người dân, đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Gắn cải cách hành chính, thực hiện các chính sách dân tộc với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 của BCH T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, quan điểm, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính và công tác dân tộc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là tiếp tục kịp thời tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn kết chặt giữa các chính sách tinh giản biên chế với thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, cán bộ làm công tác dân tộc thực hiện chính sách dân tộc nói riêng; tập trung phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, kịp thời có giải pháp giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cân đối ngân sách để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy cải cách hành chính và chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Trước đó, Đoàn công tác đã tới thăm mô hình trồng cây dược liệu ba kích, chăn nuôi gia cầm, sản xuất đồ mộc của gia đình bà Lý Thị Man, dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Giếng, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo và kiểm tra thực tế tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Lê Sơn- Bích Phượng