Cùng với việc ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, chính quyền, các doanh nghiệp đều tăng cường hoạt động trên môi trường mạng. Các loại văn bản, giấy tờ chỉ đạo, điều hành của tỉnh chủ yếu ban hành dưới dạng văn bản điện tử. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản đạt 98,5%.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được đẩy mạnh, với gần 8.200 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Khoảng 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã sử dụng các nền tảng số. Hoạt động mua bán, trao đổi nông sản, đồ gia dụng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử diễn ra sôi động.

Tất cả các cơ sở giáo dục thực hiện chuyển đổi số; khai thác, sử dụng các kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số. Đông đảo người dân sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới. Những kết quả này góp phần đưa Vĩnh Phúc lên vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chỉ số chuyển đổi số năm 2021, tăng 43 bậc so với năm 2020.

Các đại biểu ấn nút khai trương nền nền tảng xã hội số- ứng dụng Vĩnh Phúc ID
Các đại biểu ấn nút khai trương nền nền tảng xã hội số- ứng dụng Vĩnh Phúc ID.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang nhấn mạnh, Ngày Chuyển đổi số quốc gia là dịp để tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được thời gian qua cũng như định hướng cho công tác chuyển đổi số của tỉnh thời gian tới. Đây cũng là dịp gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ phương thức, kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp, kết nối cung cầu chuyển đổi số hiệu quả nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Đặc biệt, việc ra mắt nền tảng xã hội số - Ứng dụng Vĩnh Phúc ID, giúp cung cấp các thông tin và dịch vụ công thiết yếu cho người dân trên nền tảng số, kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Ứng dụng Vĩnh Phúc ID cho phép mỗi người dân Vĩnh Phúc có thể được định danh chính xác bằng công nghệ trên không gian số bởi công nghệ xác thực EKYC tiên tiến và hiện đại, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là các dịch vụ nhà ở, việc làm, camera giao thông, tra cứu thông tin phạt nguội, tra cứu hóa đơn điện, nước, thông tin các tuyến xe trong và ngoài tỉnh, cập nhật tin tức xã hội, mã khuyến mãi, gửi phản ánh đến chính quyền…

Ứng dụng có mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, mỗi người dân là một công dân số.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến giới thiệu tổng quan chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2022, tầm nhìn đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng chí Nguyễn Phú Tiến cũng nêu ra các giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể; các vấn đề đang đặt ra đối với chuyển đổi số tại các địa phương.

Nhân dịp này, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông như Viettel, VNPT Vĩnh Phúc, Microsoft Việt Nam, ngân hàng VietinBank… giới thiệu giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và các giải pháp chuyển đổi số ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo.

Đức Nam