Cải thiện môi trường làng nghề

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Sự phát triển của các làng nghề đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng.

Vĩnh Phúc: Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư - Hình 1

Làng nghề sản xuất mộc chủ yếu nằm xen kẽ trong các khu dân cư

Các cơ sở sản xuất của làng nghề hiện nay vẫn chủ yếu nằm xen kẽ giữa các khu dân cư, quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu. Do vậy, hoạt động của các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, làng nghề rèn gây ô nhiễm môi trường không khí do khí thải phát sinh từ quá trình đốt than.

Làng nghề mộc gây ô nhiễm môi trường không khí, bụi từ quá trình cưa, đánh bóng và hơi dung môi từ quá trình sơn… Ngoài ra, công đoạn ngâm gỗ để phục vụ quá trình sản xuất mộc cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt tại các thủy vực.

Để từng bước khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề nói riêng.

Trước mắt, khi các cụm công nghiệp đang trong quá trình triển khai, các làng nghề chưa có khu sản xuất tập trung, chính quyền các địa phương có làng nghề đã có những giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.

Việc đưa các hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề ra sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhất được các cấp chính quyền hướng tới. Cũng về vấn đề này, giữa tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh đã có buổi giám sát UBND tỉnh việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị này, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm cải thiện môi trường làng nghề.

Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, làng nghề gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng và phê duyệt phương án khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề; bố trí kinh phí hỗ trợ xử lý, khắc phục tình trạng này.

Tỉnh cũng sẽ có chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ sản xuất, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, làng nghề và các khu, cụm công nghiệp và được hưởng các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện môi trường; hỗ trợ nghiên cứu, thí điểm ứng dụng kỹ thuật công nghệ xử lý chất thải làng nghề.

Xử lý rác thải nông thôn

Sau 7 năm kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, việc thay đổi, nâng cao thái độ ứng xử, trách nhiệm của người dân trong giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường sống, chuyển động rất chậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiêu chí môi trường vẫn là tiêu chí khó thực hiện với nhiều huyện trên địa bàn.

Quả đúng vậy, đi qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng xả rác thải của người dân rất bừa bãi. Đặc biệt rác được xả thải ra ngay ven đường các ngã ba, ngã tư, các trục đường nơi có nhiều người qua lại.

Người đi qua không chỉ khổ vì mùi của đủ các loại phế thải xộc lên khi mưa, lúc nắng mà còn bị “hành” vì mùi khói đốt khi những đống rác đã quá tải. Một số dòng kênh cũng là nơi người dân xả rác trực tiếp.

Vĩnh Phúc: Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư - Hình 2

Người dân cần thay đổi nhận thức để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống

Nguyên nhân của tình trạng trên chính là do thói quen tùy tiện, thiếu trách nhiệm của một bộ phận người dân xả rác bừa bãi không đúng quy định. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt, nhất là cấp xã. Một số địa phương chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tư duy dự án hóa nông thôn mới mà chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch được phê duyệt. Chỉ đạo UBND các huyện triển khai lập đề án hoặc kế hoạch, phương án quản lý giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã được phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên & môi trường sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn thông thường. Hướng dẫn trình tự, thủ tục, nội dung cải tạo, phục hồi môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt và quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường để địa phương có cơ sở căn cứ xử lý tình trạng rác thải.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương cùng sự tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hy vọng trong thời gian tới cảnh quan và môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có sự thay đổi rõ rệt.

PV