Khử khuẩn phòng cúm trên đàn gia cầm.
Khử khuẩn phòng cúm trên đàn gia cầm.

Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận các ca nhiễm cúm A/H9 và cúm A/H5N1 trên người, trong đó có bệnh nhân mắc cúm A/H5N1 đã tử vong. Bộ Y tế cảnh báo: Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng virus cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người vẫn tiềm ẩn.

Theo Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không ăn gia cầm, cũng như các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy;

- Khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.

- Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở..., phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Hà Trần (t/h)