Những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh có sự phát triển cả về quy mô và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành nông nghiệp.
Giai đoạn 2011-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi (giá so sánh 2010) tăng bình quân 3,72 %/năm; trong đó: Năm 2011 đạt 3.825,3 tỷ đồng; năm 2020 đạt 5.337,7 tỷ đồng, chiếm 55,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Đến năm 2021, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, cùng những biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu nhưng so với năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi vẫn tăng trưởng 7,24%, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 56,9% trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện, toàn tỉnh có 3.400 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại; trong đó có 2.936 cơ sở quy mô nhỏ, 425 cơ sở quy mô vừa và 39 cơ sở quy mô lớn.
Mặc dù chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tập quán chăn nuôi của người dân vẫn mang nặng tính truyền thống.
Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, đang xuống cấp và lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra, chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Vai trò của doanh nghiệp (DN), HTX trong lĩnh vực này còn yếu; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là lĩnh vực sản xuất thức ăn, chế biến sản phẩm.
Với tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc top đầu toàn tỉnh về sản lượng gồm 1.180 con trâu bò, gần 11.500 con lợn, 434.500 con gà, vịt, ngan, xã Hoàng Hoa (Tam Dương) được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi của huyện Tam Dương. Song sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư với quy mô nông hộ là chủ yếu, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh và không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Đến nay, trên địa bàn xã vẫn chưa có mô hình sản xuất, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP để xuất khẩu.
Hướng tới mục tiêu giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022-2025 tăng bình quân 3,0%/năm, từng bước chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung Quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch chung xây dựng các xã.
Theo đó, các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố, UBND các xã để xác định các vùng chăn nuôi, các dự án chăn nuôi, cập nhật vào trong quy hoạch chung các xã đang triển khai; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu.
Đồng thời, tập trung phát triển vùng chăn nuôi lợn tại các xã Quang Yên, Lãng Công, Hải Lựu, Đồng Quế (Sông Lô); Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Hợp Lý (Lập Thạch); Liên Châu (Yên Lạc).
Đối với vùng chăn nuôi gia cầm, tập trung phát triển vùng chăn nuôi gà tại các xã Hướng Đạo, Hoàng Hoa, Thanh Vân, Đạo Tú, Duy Phiên, An Hòa, Đồng Tĩnh (Tam Dương); Tam Quan, Đại Đình (Tam Đảo).
Vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa sẽ được phát triển tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả, phụ phẩm nông nghiệp như xã Vĩnh Thịnh, An tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương (Vĩnh Tường); xã Trung Kiên, Đại Tự, Hồng Châu, Trung Hà (Yên Lạc); xã Thái Hòa (Lập Thạch); xã Bồ Lý (Tam Đảo); xã Cao Phong, Đồng Thịnh (Sông Lô).
Đức Nam