Cụ thể, đánh giá về diễn biến dịch bệnh sởi trên địa bàn, tại hội nghị giao ban công tác chuyên môn y tế cơ sở và y tế dự phòng quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025, do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo, dịch bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và thuộc diện tiêm chủng theo chiến dịch.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và các cơ sở giáo dục mầm non có ca bệnh, ổ dịch; triển khai các biện pháp xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn theo quy định.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, ngay trong đầu tháng 4/2025, CDC Hà Nội đã tiến hành giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại một số địa bàn.

Đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại Trạm Y tế phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội
Đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại Trạm Y tế phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Cụ thể, tại địa bàn quận Đống Đa, từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận 89 ca mắc tay chân miệng. UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo các phường chủ động giám sát phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng và trường học để triển khai khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng...

Ngay khi phát hiện 2 trẻ mắc tay chân miệng tại một nhóm trẻ mầm non tư thục trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang Ngô Vân Anh cho biết, cán bộ Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã phối hợp với Trạm Y tế phường Thịnh Quang tiến hành điều tra, giám sát, khử khuẩn tại trường học và gia đình bệnh nhân bằng Cloramin B.

Cụ thể, Trạm Y tế phường Thịnh Quang đã cấp phát Cloramin B cho nhà trường và hướng dẫn cách pha dung dịch Cloramin B để thực hiện khử trùng dụng cụ, đồ chơi, lau sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa...; đồng thời hướng dẫn các cô giáo và gia đình trẻ thực hiện vệ sinh phòng bệnh và theo dõi sức khỏe của trẻ hằng ngày... Nhờ đó, công tác xử lý ổ dịch tại trường mầm non cơ bản được thực hiện đúng theo quy định.

Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, tại đây đã tiếp nhận hàng trăm ca bệnh sởi ở người lớn, trung bình mỗi ngày có từ 10 - 20 ca/ngày. Các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.

Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân đều chưa được tiêm phòng hoặc không tiêm nhắc lại. Ngoài ra, có khoảng 5% bệnh nhân nhập viện có biến chứng như: Viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản…

Bệnh nhân lớn tuổi, mắc sởi, được điều trị tại Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Hảo
Bệnh nhân lớn tuổi, mắc sởi, được điều trị tại Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Hảo

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho rằng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao, khiến cộng đồng thường ghi nhận các chùm ca bệnh hoặc vụ dịch. Đặc biệt, với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra “dịch chồng dịch”, tại hội nghị giao ban, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các đơn vị cần rà soát kỹ đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi, đảm bảo không bỏ sót trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1 đến 10 tuổi.

“Ngoài dịch sởi và sốt xuất huyết, các đơn vị cũng cần quan tâm đến các dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm…, tăng cường công tác tham mưu với UBND quận, huyện để chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng. Đồng thời, căn cứ theo diễn biến tình hình dịch thực tế, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

Tuấn Ngọc (t/h)