Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, số mắc sởi trong tuần tăng, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, dự báo tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi sởi, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Số ca nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).

Liên quan đến bệnh sởi tăng cao trong thời gian gần đây, chia sẻ trước báo chí, TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ năm 2024 đến ngày 13/3/2025, đơn vị ghi nhận 3.107 ca bệnh sởi, trong đó hơn 50% phải nhập viện.
“Năm 2024, bệnh viện ghi nhận 796 ca mắc sởi nhập viện, nhưng chỉ gần 3 tháng đầu năm 2025 đã có 1.367 trường hợp. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ mắc sởi chưa tiêm chủng chiếm khá cao. Qua điều tra 1.459 bệnh nhân trên 9 tháng tuổi mắc sởi nhập viện, có 50% trẻ chưa tiêm vaccine phòng bệnh”, TS Cao Việt Tùng chỉ rõ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để ngăn chặn nguy cơ từ bệnh sởi, phụ huynh cần tiêm phòng đầy đủ hai mũi vaccine sởi cho trẻ theo lịch. Phụ nữ trước khi mang thai cũng nên tiêm phòng để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời.
Ngoài ra, khi trẻ có các dấu hiệu: Sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc phát ban, phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đồng thời, cách ly bệnh nhân sởi, vệ sinh môi trường sống và rửa tay thường xuyên là các biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cụ thể, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên. Thời gian gần đây, viện liên tục tiếp nhận nhiều ca bệnh là người lớn mắc sởi. Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng cảm thụ là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm.
Sởi ở người lớn, hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người lớn chủ quan cho rằng, bệnh sởi chỉ có ở trẻ em, nên không đi khám và điều trị.
Tương tự, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho hay, dịch sởi bùng phát theo chu kỳ mỗi 5 năm và thời điểm này đã đúng vào chu kỳ dịch. Tỷ lệ tiêm chủng giảm có thể khiến cho số người nguy cơ mắc bệnh tích lũy rất lớn, dẫn đến khả năng cao bùng phát dịch.
.TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế cảnh báo, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.
Đáng lo ngại, bệnh sởi đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng và có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn Covid-19. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12 - 18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng "anti vaccine" gia tăng; tốc độ tiêm chủng chậm hơn tốc độ của dịch. Hiện, có 7 - 8 tỉnh mới phê duyệt kế hoạch tiêm chủng.
“Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát cần bao phủ vaccine từ trên 95% với 2 liều vaccine phòng sởi trong cộng đồng. Do đó, các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra, các địa phương giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời xử lý, không để dịch lây lan rộng”, TS Hoàng Minh Đức cho hay.
Tuấn Ngọc (t/h)