Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Pháo binh ta tuy còn nhỏ, nhưng có tác dụng lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cách đây tròn 65 năm của quân và dân ta, pháo binh lúc đó tuy còn nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong chiến dịch.
Chiến đấu suốt 55 ngày đêm…
Đêm 6/5, vào hồi 20h30, bộ đội ta “lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1.000 kg đặt sâu trong đường hầm cứ điểm Đồi A, làm hiệu lệnh cho các hướng đồng loạt tiến công”. Tắp lự, hàng nghìn quả đạn đại bác của bộ đội ta cùng lúc bay lên.
Lần đầu tiên, trên bầu trời Điện Biên Phủ, những vệt sáng xanh xuất hiện tới tấp - nổ sáng rực cả cánh đồng Mường Thanh. Quân địch hoảng hốt kêu lên “Ca-ti-u xa Việt Minh” và chúng càng thêm suy sụp tinh thần.
Sáng 7/5, sau khi bộ đội ta đã chiếm đóng cứ điểm Đồi A1 - cao điểm cuối cùng, quân ta đã ở thế ngồi trên đầu thù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Mặt trận gửi thư cho cán bộ, chiến sỹ:
“… Trong cuộc tiến công đêm qua, ta đã tiêu diệt cứ điểm A1 và hàng loạt vị trí. Ta chỉ còn cách Sở Chỉ huy địch 300 m, phải tích cực - kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, lập nhiều chiến công để chúc thọ Bác Hồ”.
Những ngày cuối cùng của chiến dịch thật vô cùng sôi động.
Để có ngày vinh quang ấy, quân và dân ta đã phải chiến đấu suốt 55 ngày đêm liên tục và gần 3 tháng trời chuẩn bị cho một chiến dịch lớn.
Chỉ chuyện “kéo pháo vào kéo pháo ra” - một câu chuyện đã trở thành huyền thoại về sử dụng pháo binh, đã đủ thấy đây là một kỳ tích trong lịch sử truyền thống của Binh chủng Pháo binh Anh hùng.
Cuối tháng 12/1953, sau khi chọn thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ làm căn cứ điểm, địch tập trung tại đây tới 16.200 quân, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 1 phân đội xe tăng, 2 sân bay, 1 phân đội máy bay yểm trợ trinh sát, 2 căn cứ hỏa lực pháo 105 và 155 ly (40 khẩu loại 155 ly), căn cứ Mường Thanh có cả pháo ca nông lựu 155 ly…, hình thành một tập đoàn cứ điểm với 8 cụm cứ điểm, 49 cứ điểm.
Tham gia chiến dịch, ta có 4 đại đoàn chủ lực tinh nhuệ, gồm: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 304 và 1 đại đoàn công pháo với sự xuất hiện lần đầu tiên của Trung đoàn Trọng pháo 45 (loại pháo cỡ 105 ly, nặng 2,5 tấn/khẩu).
Ngày 22/12/1953, Trung đoàn Trọng pháo 45 đã cùng với Trung đoàn Pháo cao xạ 37 ly, bắt đầu xuất phát trên chặng đường dài gần 600 km, từ Tuyên Quang qua Âu Lâu (Yên Bái), Tạ Khoa, đèo Lũng Lô, Cò Nòi (Sơn La), đèo Pha Đin, Tuần Giáo và tập kết ở km 63 đường Tuần Giáo (Điện Biên Phủ).
“Kéo pháo vào kéo pháo ra”!
Bộ đội ta kéo pháo chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Ngày 14/1/1954, Bộ Tư lệnh Chiến dịch mở hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến với mật danh “Chiến dịch Trần Đình”.
Theo kế hoạch, cuộc tổng công kích chỉ diễn ra khoảng 3 đêm 2 ngày, vì ta đánh giá địch mới chiếm đóng, tinh thần còn mệt mỏi, công sự còn sơ sài. Ta có ưu thế về binh lực, lại có pháo lớn. Dự kiến, giờ G ngày 25/1/1954, nhưng để giữ được yếu tố bất ngờ, ta dùng pháo lớn đưa vào chiếm lĩnh trận địa, dùng sức người kéo pháo.
7h ngày 15/1, gần 6.000 bộ đội thuộc Đại đoàn 308, với 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội sơn pháo, tiến hành mở đoạn đường dài 15 km, rộng 3 m qua nhiều núi cao, suối sâu. Qua 1 ngày làm xong đường đúng tiêu chuẩn, đoạn đường bắt đầu từ cánh rừng Nà Nhem km 70 Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, vắt qua đỉnh núi Pha Sông ở độ cao 1.150 m, đỗ xuống Bản Tẩu - nơi đặt trận địa pháo.
Đường làm đến đâu, ngụy trang đến đó. Cả lực lượng Đại đoàn 312, Trung đoàn Trọng pháo 45, Trung đoàn Pháo cao xạ 37 ly, dùng sức người kéo pháo. Anh chị em hỏa tuyến vận chuyển 5.000 viên đạn đại bác (mỗi viên nặng 30 kg) và hàng vạn viên đạn cao xạ 37 ly vào trận địa.
Hình thành Bộ Tư lệnh kéo pháo, do Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 - Lê Trọng Tấn làm Chỉ huy trưởng, Chính ủy Đại đoàn 351 Công pháo - Phạm Ngọc Mậu làm Chỉ huy phó.
Ngày 16/1, bắt đầu kéo pháo. Lúc đầu, cứ 20 bộ binh kéo 1 cỗ pháo nặng 2,5 tấn, còn pháo thủ đảm nhiệm nâng càng và chèn pháo. Khi kéo trên đường bằng phẳng, pháo chạy băng băng. Nhưng khi pháo vừa chạm đến 1 dốc đồi nhỏ thì bị chững lại, chỉ nhích được từng phân, từng tấc một cách vất vả.
Bộ Chỉ huy kéo pháo tăng thêm 30 người, rồi 40 người kéo 1 khẩu, nhưng càng gặp núi cao, số người kéo càng tăng, lên đến 80 - 100 rồi trên 100 người/khẩu. Hai ngày đầu, chỉ kéo được 2 km, trong khi thời gian hạn định chỉ có 7 ngày phải kéo trên đoạn đường dài 15 km. Ngày thứ 3, sáng nghỉ rút kinh nghiệm, mở rộng thêm cua cho đoạn đường kéo, hạ bớt độ dốc, thiết bị thêm dây tời…
Tiếng hô “hai ba nào” cũng xuất hiện ngay sau đó. Việc kéo pháo - quả là một thử thách vô cùng gian khổ và quyết liệt của bộ đội ta. Có dốc, có độ dài tới 7 tời (mỗi tời dài 50 m).
Nguy hiểm nhất vẫn là lúc ghìm cỗ pháo nặng 2,5 tấn lao xuống dốc 50 - 60 độ, chỉ sơ hở một chút là pháo rơi xuống vực sâu. Có những cán bộ và chiến sỹ đã anh dũng hy sinh lấy thân mình chèn pháo để bảo vệ pháo.
Chiều 25/1, sau 10 ngày đêm vô cùng gian khổ anh dũng, những khẩu trọng pháo đầu tiên đã vào vị trí trận địa, sẵn sàng nổ súng, số còn lại vẫn đang trên đường kéo. Do vậy, giờ G được lùi lại 24 tiếng.
Trong lúc anh em lo lắng không hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của chiến dịch, thì ngày 26/1, Bộ Tư lệnh hạ lệnh kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu. Phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh”, được thay bằng phương châm “Đánh chắc tiến chắc”!
Bao nhiêu mồ hôi, xương máu của bộ đội sau 10 ngày đêm kéo pháo đã vượt qua. Bộ đội đang háo hức chờ ngày nổ súng. Nay được lệnh kéo pháo ra chuẩn bị lại, anh em rất phân vân. Chi bộ đảng, chỉ huy các đơn vị trao đổi, hội kiến nhanh và động viên bộ đội kéo pháo ra.
Tối 26/1, bắt đầu kéo pháo ra. Lúc này, địch đã “đánh hơi” thấy các hoạt động của ta, chúng ra sức cho máy bay oanh tạc, pháo công kích đánh chặn. Sáng 5/2 (đúng mùng 3 Tết), khẩu pháo cuối cùng đã về đến bãi tập kết an toàn…
Làm chủ hỏa lực chiến trường
Pháo M101 105 mm được Trung đoàn Trọng pháo45 sử dụng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh: Văn Biên)
Sau này, bộ đội công binh mở 5 con đường với độ dài 63 km để 2 trung đoàn pháo đất, pháo trời, chỉ trong 3 đêm (từ ngày 8 - 11/3), dùng xe kéo pháo vào, chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật.
Cùng với việc làm đường kéo pháo, theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, tất cả công sự trận địa bắn của pháo 105 ly phải được làm thật kiên cố, hầm pháo, hầm đạn phải có nắp dày 2 mét, chống được đạn pháo 155 ly của địch. Cứ 1 đại đội bộ binh, tăng cường 1 đại đội pháo binh, làm công sự suốt 7 ngày đêm.
Cũng do quyết tâm của Bộ Tư lệnh Chiến dịch về xây dựng công sự pháo mà trong suốt 55 ngày đêm chiến đấu, pháo ta đã an toàn tuyệt đối, liên tiếp lã hỏa lực mạnh chi viện cho bộ binh tiến công, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ đêm mùng 8 – 11/3, pháo binh chuẩn bị xong trận địa Bắc. Đúng 17 giờ ngày 15/3/1954, hơn 150 khẩu gồm trọng pháo 105, sơn pháo 75 ly, cao xạ 37 ly, cối 120, cối 82… mở đợt tập kích hỏa lực pháo binh mãnh liệt trong 15 phút vào toàn bộ khu trung tâm của địch (sân bay Mường Thanh, kho tàng, trận địa pháo, sở chỉ huy các cụm và các cứ điểm), mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Kết quả, ta diệt 5 máy bay địch, phá 12 pháo cối, diệt 150 tên địch, nhiều kho tàng bốc cháy. Sau đó, pháo chuyển làn bắn từng đợt, chuẩn bị cho Đại đoàn 312 tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam; Đại đoàn 308 tiêu diệt cụm cứ điểm đồi Độc Lập, các cứ điểm C1, E, D1 ở khu Đông…
17 giờ ngày 1/5, pháo binh lại mở đợt tập kích hỏa lực vào toàn bộ cứ điểm địch, mở đầu đợt công kích thứ ba của chiến dịch. Ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1, chiếm lĩnh khu Hồng Cúm...
Để rồi, vào hồi 20h30 ngày 6/5, bộ đội ta “lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1.000 kg, đặt sâu trong đường hầm cứ điểm Đồi A, làm hiệu lệnh cho các hướng đồng loạt tiến công”…
Trước ngày ta nổ súng không lâu, chính Tướng Đờ-cát-đờ-látxtri với nhận định chủ quan, cho là pháo ta không thể tiếp cận được, vì địa hình rừng núi khó khăn, hiểm trở, đường xá không có (đường Tuần Giáo lúc đó, chỉ là con đường mòn cho ngựa đi). Tướng Đờ-cát-đờ-látxtri huyênh hoang tuyên bố: “Nếu pháo binh Việt Nam đưa được vào đây, tôi sẽ đội cái mũ ca nô này để họ làm điểm ngắm”.
Trong khi quan năm Pi-rốt - chỉ huy pháo binh địch thì tỏ ra chủ quan hơn, vì họ dựa vào khả năng trinh sát bằng máy bay ban đêm có hồng ngoại tuyến, lại có pháo to, đạn nhiều nên có thể “đè bẹp” pháo binh Việt Nam. Y tuyên bố “sẽ tiêu diệt hết pháo binh Việt Nam khi họ chưa kịp nạp viên đạn thứ hai vào nòng” (!).
Thực tế thì sao?
Sau khi bộ đội ta tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, pháo ta đã chiếm lĩnh điểm cao, hoàn toàn làm chủ hỏa lực trên chiến trường, thì vào hồi 12 giờ 45 phút, ngày 15/3, viên quan năm Pi-rốt đã dùng lựu đạn tự sát.
Còn Tướng Đờ-cát-tri thì đến 17g 30 phút, ngày 7/5/1954, đã lặng lẽ xếp hàng vào trại tù binh…
Nghệ thuật sử dụng pháo binh
Khẩu sơn pháo 75 mm của Đại đội 755 (Trung đoàn Pháo 675), tham gia chiến đấu từ ngày 24/3 - 7/5/1954, phá hủy 5 pháo 105 mm, 1 kho đạn của địch (Ảnh: Văn Biên)
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình về nghệ thuật chiến tranh của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều đó, nói lên sự chỉ đạo tài tình về nghệ thuật vận dụng tư tưởng chiến lược tiến công, về nghệ thuật tổ chức và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân – giành toàn thắng.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - cũng nói lên nghệ thuật chỉ đạo và vận dụng cách đánh tài giỏi, đánh chắc thắng của Bộ Tổng tư lệnh, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó, nét nổi bật chính là tiến công hiệp đồng binh chủng – tạo nên một ưu thế tuyệt đối, cả về binh lực lẫn hỏa lực cho từng trận đánh.
Bộ binh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho pháo binh phát huy hỏa lực. Bộ binh còn thu gom hơn 2.200 quả đạn pháo 105 ly (do địch thả dù), tiếp tế cho trận địa pháo ta, trút xuống đầu thù. Bộ đội công binh, anh chị em dân công hỏa tuyến ngày đêm gian khổ, mở đường cho pháo tiến; tiếp tế lương thực, thuốc men, vận chuyển đạn pháo…
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn là nghệ thuật sử dụng pháo binh khá độc đáo – lần đầu tiên với sự xuất hiện của trọng pháo, cao xạ.
Chúng ta đã khéo vận dụng phương châm bố trí pháo phân tán, hỏa lực lại tập trung, kết hợp bố trí trận địa kiên cố của pháo, xe kéo cơ động luồn lách, bám trụ, đi cùng sơn pháo, cối… tạo nên sức mạnh hỏa lực tổng hợp trong hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh để tiến công, đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm có công sự vững chắc, kiên cố, rồi chuyển sang tổng tiến công, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.
Trong suốt 55 ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của bộ đội ta, trong đó có bộ đội pháo binh – là sự thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng. Đối với bộ đội pháo binh, còn là sự thể hiện của 80 ngày đêm chịu đựng khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành mọi công việc chuẩn bị chiến đấu cho toàn bộ lực lượng pháo binh vào chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật…
Có thể nói, giữa bom đạn ác liệt của quân thù, bất chấp đèo cao suối sâu, đói rét và gian khổ, nhưng với ý chí quyết chiến quyết thắng, chúng ta đã đưa được cả 1 trung đoàn trọng pháo 105 ly, 1 trung đoàn cao xạ 37 ly vào trận địa, tham gia chiến đấu và đánh thắng giòn giã.
Không những cả 24 khẩu trọng pháo 105 ly an toàn suốt 55 ngày đêm, chiến đấu liên tục, mà khi hành quân trở về hậu cứ, còn mang theo nguyên vẹn số lượng pháo, cùng với những chiến lợi phẩm thu được của địch…
Sau này, trong nhiều bài học của pháo binh Việt Nam từ thực tiễn hiệu quả và thành tích chiến đấu, có lời nhận định sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
“Pháo binh ta tuy còn nhỏ, nhưng có tác dụng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Ngày mùng 5 Tết (7/2), bộ đội mới chính thức ăn cái Tết “kéo pháo vào kéo pháo ra thắng lợi”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có mặt để căn dăn nhiệm vụ mới “nhiệm vụ nặng nề hơn là phải chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng nổ pháo làm cho quân địch khiếp sợ trọng pháo ta”.
Pháo binh Việt Nam thật xứng đáng với vị trí vai trò là “Hỏa lực chủ yếu của Quân đội ta, cũng từ Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử”. Pháo binh Việt Nam thật vinh dự xứng đáng với lời khen của Bác Hồ kính yêu tặng 8 chữ vàng: “Chân đồng - Vai sắt - Đánh giỏi - Bắn trúng”.
Xuân Phong