THCL Chi cục QLTT Đà Nẵng cho biết, ngày 23/3/2015, Công ty AJINO-MOTO Việt Nam có đề nghị kiểm tra và xử lý Công ty SX-TM Hà Trung Hậu chi nhánh tại Đà Nẵng với sản phẩm hàng hóa (mì chính) nhãn hiệu AJINO-TAKARA và hình có phần giống và trùng lắp với nhãn hiệu AJI-NO-MOTO và hình đã được đăng ký bảo hộ của AJINOMOTO Nhật Bản.
2 nhãn hiệu mì chính AJINO-TAKARA và AJI-NO-MOTO
Theo hợp đồng Li-Xăng nhãn hiệu 17/4/2004 giữa AJINOMOTO Co.; inc và Công ty AJINOMOTO Việt Nam thì Công ty AJINO-MOTO Việt Nam được quyền sử dụng 05 nhãn hiệu: AJI-NO-MOTO, AJI-NO-MOTO (bằng chữ tiếng Nhật), AJI-NO-MOTO (in bằng tiếng Nhật và hình cái tô), HIEU TO DO và AJINOMOTO lần lượt có số đăng ký là 168 – 169 – 170 – 33022 – 37227. Để chứng minh sự vi phạm của đối thủ, Công ty đã xuất trình bản Đăng bạ Quốc gia Nhãn hiệu số 163188 được cấp ngày 09/5/2011 của Công ty AJINO-MOTO Nhật Bản đối với nhãn hiệu AJI-NO-MOTO và hình; Và cung cấp 2 bản kết luận giám định sở hữu công nghiệp (SHCN) của Viện KHSHTT: số NH150-15TC/KLGĐ ngày 04/5/2015 (gọi tắt là kết luận số 1); số NH291-15YC/KLGĐ ngày 28/7/2015 (gọi tắt là kết luận số 2).
Tuy nhiên, những chứng cứ trên vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận nhãn hiệu AJINO-TAKARA vi phạm. Văn bản kết luận giám định được coi là một nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc. QLTT Đà Nẵng cho hay, người có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết luận vi phạm và Quyết định xử lý vi phạm của mình (khoản 1 Điều 51 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006). Đồng thời, theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính, ngược lại, cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng có quyền chứng minh không vi phạm hành chính.
Để chứng minh không vi phạm Công ty Hà Trung Hậu đã dẫn chứng: tại kết luận giám định về SHCN số: NH057-15YC/KLGĐ của Viện Khoa học SHTT ngày 26/02/2015 (do Công ty Hà Trung Hậu yêu cầu giám định) có nêu: Không đủ căn cứ để kết luận dấu hiệu “AJINO-TAKARA và hình” gắn trên sản phẩm bột ngọt/mì chính như được thể hiện trên tài lệu giám định là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “AJI-NO-MOTO và hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 163188 của AJINOMOTO Co.;inc".
Theo công ty Hà Trung Hậu, thông báo số 611/TB-ATTP ngày 24/3/2015 của Cục An toàn thực phẩm, trong đó đã kết luận: Công ty AJINOMOTO Việt Nam phản ánh sản phẩm chất điều vị Bột ngọt (mì chính) hiệu AJINO TAKARA của Công ty TNHH SXTM Hà Trung Hậu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu AJINOMOTO và hình là không đủ căn cứ. Trên thực tế, tranh chấp giữa 2 công ty là yếu tố nhãn hiệu trên bao bì sản phẩm có dấu hiệu xâm phạm chứ không phải chất lượng mì chính.
Bên cạnh đó, Công ty Hà Trung Hậu cũng đưa ra nhiều chứng cứ thuyết phục khác như: giấy chứng nhận bản công bố hợp quy (Cục ATTP cấp); Mẫu bao bì, nhãn hiệu; Phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp; Giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu trung tâm y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng; Quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ của Cục SHTT (Công ty Hà Trung Hậu đăng ký nhãn hiệu AJINO-TAKARA, hình) và các giấy tờ khác chứng minh đã sử dụng tên AJINO-TAKARA tại Thái Lan. Đồng thời, Công ty Hà Trung Hậu cung cấp tờ khai hàng hóa nhập khẩu của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu hợp pháp từ Thái Lan. Đặc biệt, AJINO-TAKARA Thái Lan đã xuất khẩu mì chính đến nhiều nước như Mianma, Lào, Singapore, Campuchia… Ngay cả thị trường Nhật Bản, Mỹ, nhãn hiệu AJINO-TAKARA cùng tồn tại với AJINO-MOTO.
Phía Viện KHSHTT cũng đưa ra 02 kết luận nhưng do kết luận rất chung chung, chưa khách quan, chưa chặt chẽ và không đầy đủ nên QLTT khó có thể xem đây là chứng cứ vững chắc để giải quyết vụ việc. Ở kết luận số 1 ngày 4/5/2015, Viện KHSHTT nêu ra 3 đối tượng 1, 2 & 3 của AJINO – TAKARA không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với AJI-NO-MOTO đã được bảo hộ. Nhưng ở đối tượng 4 – “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mì chính (bột ngọt), Viện KHSHTT cho rằng tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 169 của AJINOMOTO.,INC.
Tuy nhiên kết luận này không thể xem là cơ sở để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Do trong kết luận số 2 ngày 28/7/2015, ở cuối trang 2/11 của văn bản kết luận giám định, Viện KHSHTT ghi chú: Tên gọi này (ý nói dấu hiệu "ba chữ tượng hình") được đặt bởi cơ quan giám định, có tính chất quy ước, nhằm thuận tiện cho việc gọi/chỉ định đối tượng trong quá trình giám định, do vậy không mang ý nghĩa pháp lý nào. Điều này không phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.
Mặt khác, đánh giá khả năng gây nhầm lẫn, Viện KHSHTT chỉ nhận định ở mức “có thể” gây nhầm lẫn chứ chưa có căn cứ/cơ sở để khẳng định rằng người tiêu dùng có khả năng bị nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa nhưng Viện KHSHTT vẫn đánh giá là “đối tượng giám định trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ”. Điều này không phù hợp với điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP: "một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu".
Xét thấy vụ việc cần phải có ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nên Chi cục QLTT Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và lấy ý kiến chuyên môn mới tiến hành xử lý vụ việc nhằm tránh những sai sót đáng tiếc. Hiện QLTT Đà Nẵng vẫn đang chờ ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, nếu có Quyết định xử lý VPHC thì thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND thành phố, ông Lữ Bằng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho hay.
Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi cục QLTT Đà Nẵng cho biết thêm, khác với hành vi giả mạo nhãn hiệu, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chỉ bị phạt tiền và buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm chứ không tịch thu hàng hóa (Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp). Việc loại bỏ yếu tố vi phạm (nếu có) không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Do điều kiện bảo quản không thích hợp, hơn nữa, thời hạn tạm giữ hàng hóa theo luật đã hết và thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 02 (hai) năm nên việc QLTT Đà Nẵng giao trả lại hàng hóa cho Công ty Hà Trung Hậu bảo quản là phù hợp với luật định và không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên số hàng hóa này không được lưu thông cho đến khi có quyết định chính thức vi phạm hoặc không vi phạm.
Hoàng Thu Hằng (Thương hiệu & Công luận)