Tuy nhiên, nhiều hộ dân lại cho rằng, cá chết là do nhà máy chế biến tinh bột sắn Tây Nguyên đặt ống xả thải trực tiếp xuống hồ khiến cá bị ngộ độc.
Ngày 14/7, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã có Báo cáo số 248/BC-SNN về tình hình cá chết bất thường ở huyện Đăk Hà.
Theo nhận định ban đầu thì hiện tượng cá chết đột ngột do hàm lượng ô xi hòa tan thấp, cá bị ngạt. Số lượng cá chết chủ yếu là diêu hồng, cá trắm cỏ. Riêng một số loài cá tự nhiên trong lòng hồ thủy điện không có hiện tượng chết hàng loạt. Theo kết quả đo hàm lượng ô xy hòa tan các ngày 12-13/7 thấp dưới 4mg/lít (thấp hơn so với quy chuẩn trên 4mg/lít).
Nguyên nhân là do mực nước lòng hồ Thủy điện Plei Krông xuống thấp. Bên cạnh đó, mưa trong các ngày 11-12/7 kéo theo lượng bùn đất, lòng hồ thu hẹp, nước đục dẫn đến hàm lượng ô xy hòa tan trong nước xuống thấp. Kết luận sơ bộ của cơ quan chuyên môn tỉnh Kon Tum là “không có độc tố trong nước”.
Cá chết là do hàm lượng ô xy trong nước xuống thấp khiến cá bị ngạt?
Tuy nhiên, Sở TTN&MT vẫn tiến hành lấy các mẫu nước phân tích, đánh giá để xác định chính xác nguyên nhân (dự kiến ngày 20/7 sẽ công bố kết quả các chỉ số môi trường nước).
Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét, chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương phân tích, công bố rõ các chỉ số môi trường trong nước khu vực nuôi và khu vực xả thải của Nhà máy mỳ Tây Nguyên, Sở NN&PTNT lấy mẫu cá để phân tích dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Đăk Hà nắm chắc tình hình thiệt hại của người dân để tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, khoanh nợ để các hộ nuôi cá lồng tái sản xuất.
Sở Công thương kiểm tra quy trình vận hành nhà máy mỳ Tây Nguyên. Công an tỉnh tiếp tục theo dõi, phối hợp với các ngành kiểm tra các số liệu môi trường và tiến hành điều tra vi phạm (nếu có). Công ty Thủy điện Ia Ly xem xét hỗ trợ một phần khó khăn của các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Plei Krông…
Kim Yến