Chênh lệch giá trị hợp đồng
Theo cáo trạng, Trần Văn Sơn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận. Ngày 20/4/2017, Sơn xác nhận hệ thống lọc nước bị hỏng nên ông Trương Quý Dương- nguyên GĐ BV Hòa Bình ký hợp đồng trị giá gần 100 triệu đồng với Cty CP dược Thiên Sơn nhằm sửa chữa hệ thống lọc nước RO.
Tuy nhiên, Cty Thiên Sơn ký hợp đồng trị giá hơn… 70 triệu đồng với Cty Trâm Anh, cho Bùi Mạnh Quốc thực hiện đúng các hạng mục đã ký với BV Hòa Bình (tại tòa, bị cáo Quốc khai, thực tế Cty Thiên Sơn chỉ trả cho mình hơn 50 triệu đồng).
Ngày 28/5/2017, bị cáo Quốc tới BV Hòa Bình, thực hiện sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Quá trình này, Quốc dùng hỗn hợp 2 loại axit để tẩy rửa màng lọc nhưng do sơ suất nên axit vẫn còn trong hệ thống. Sau đó, Quốc gọi điện cho Trần Văn Sơn thông báo đã sửa chữa xong, hôm sau sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Dù không theo dõi quá trình sửa chữa nhưng Sơn thông báo về bệnh viện, nói hệ thống đã sử dụng bình thường.
Cáo trạng cũng cho rằng, hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương đã ra lệnh chạy thận, cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường dù không kiểm tra, xác minh thông tin sửa chữa và cũng không báo cáo cấp trên. Lúc này, Quốc và Sơn cũng có mặt nhưng không ngăn cản việc chạy thận. Kết quả, cả 18 bệnh nhân đang lọc máu có biểu hiện bất thường trong đó 8 người tử vong.
Có bỏ lọt tội phạm?
Tại phần khai mạc, chủ tọa xác định bị đơn dân sự trong vụ án là BV Hòa Bình có mặt tại tòa. Trong khi đó, ông Trương Quý Dương - người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt dù được tòa triệu tập nhiều lần.
Các luật sư đề nghị tòa triệu tập ông Trương Quý Dương nhằm làm rõ việc mua sắm trang thiết bị trong vụ án, đề nghị tòa có thể áp giải ông Dương. Họ cũng mong tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Dương và ông Đỗ Anh Tuấn - GĐ Cty Thiên Sơn, cho rằng 2 người này là nhân chứng, không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Những người bào chữa cũng đề nghị triệu tập đại diện Bộ Y tế để làm rõ hiệu lực của văn bản liên quan vụ án được ban hành từ năm 1997, cung cấp các văn bản hiện hành; triệu tập đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để xác định có hay không việc ký hợp đồng mua sắm thiết bị để trục lợi, tránh việc bỏ lọt tội phạm…
Luật sư của bị cáo Lương đề nghị hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập người liên quan hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ngược lại, kiểm sát viên cho rằng, nhiều vấn đề đã được làm rõ trong quá trình điều tra, các vấn đề khác có thể làm rõ trong quá trình xét xử nên đề nghị tòa tiếp tục làm việc. Sau khi hội ý, chủ tọa tuyên bố phiên tòa diễn ra bình thường.
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa xét xử ngày 15/5. Ảnh: Xuân Ân.
Không được đào tạo
Tại phần xét hỏi, Bùi Mạnh Quốc thừa nhận ngày 28/5/2017, bị cáo dùng axit để rửa màng lọc nhưng do sai sót và không kiểm tra nên một lượng axit vẫn tồn tại trong hệ thống dù đã thau rửa. Tuy vậy, cả Quốc và bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phụ trách vật tư đã thông báo sửa chữa xong. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương ra lệnh vận hành hệ thống khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong.
Bị cáo Quốc khai nhận, đã làm nghề xử lý nước từ năm 2006, thành lập Cty Trâm Anh vào tháng 11/2016 nhưng bản thân chưa được học chuyên ngành về việc xử lý nước. Trước khi vụ án xảy ra, Quốc đã sửa chữa hệ thống lọc của BV Hòa Bình nhiều lần. Số axit bị cáo dùng trong ngày 28/5/2017 được tồn đọng từ lần xử lý trước. Bị cáo này khẳng định, không được ai cho biết số axit trên cấm dùng trong y tế.
Bị cáo Trần Văn Sơn cũng khai Quốc được Cty Thiên Sơn giới thiệu là nhân viên, từng sửa chữa hệ thống lọc nước tại BV Hòa Bình nhiều lần. Ngày 28/5/2017, sau khi cho Quốc thực hiện sửa chữa, Trần Văn Sơn đã bỏ về nhà thay vì giám sát công việc như nhiệm vụ được giao. Hôm sau, dù biết chưa lấy mẫu nước đi kiểm tra nhưng Sơn không ngăn cản việc chạy hệ thống dùng cho lọc máu.
Tới lượt mình, bị cáo Hoàng Công Lương thừa nhận đã ký biên bản đề nghị sửa chữa hệ thống lọc nước nhưng cho rằng nhiệm vụ của mình là điều trị, không phải chịu trách nhiệm về việc máy móc hư hỏng. Được hỏi ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố), ai phân công các bác sĩ phụ trách buồng bệnh? Bị cáo Lương trả lời: “Bị cáo học chuyên môn sâu hơn nên được 2 bác sĩ khác tín nhiệm… nhưng không phải người có quyền quyết định việc ra lệnh lọc máu bệnh nhân”.
Nói thêm về sáng 29/5/2017, bị cáo Lương cho biết được điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong, có thể hoạt động bình thường. Vị bác sĩ cũng khẳng định, trách nhiệm nhận trang thiết bị dùng cho đơn nguyên thận thuộc bộ phận hành chính hoặc điều dưỡng, không phải của mình. “Khi phòng vật tư đã bàn giao thì đương nhiên giữa phòng này và Cty Thiên Sơn đã bàn giao với nhau trước đó”- lời bị cáo Lương.
Trao đổi với phóng viên, bị cáo Hoàng Công Lương nói: “Chức vụ của bác sỹ là khám và điều trị, ra y lệnh cho bệnh nhân, không liên quan đến việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị… Tôi phải chịu trách nhiệm về y lệnh nếu y lệnh của tôi là nguyên nhân dẫn đến tử vong còn nguyên nhân do bộ phận khác gây ra, người của bộ phận đó phải chịu trách nhiệm…Nghề nào cũng nguy hiểm nhưng khi có một hành lang pháp lý an toàn, nhân viên y tế sẽ an tâm làm việc hơn”.
Theo Pháp Luật