Bài 1: Hà Nội: Hàng loạt bãi chứa, trung chuyển vật liệu trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động

Bài 2: Chưa xử lý được sai phạm do có người trên huyện can thiệp?

Bài 3: Huyện Thường Tín xử lý sai phạm kiểu “ném đá ao bèo”?

Bài 4: Huyện Gia Lâm “tạo điều kiện” cho các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trái phép?

Dù Sở TN&MT, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện trên điạ bàn phải  thanh lý các hợp đồng cho thuê đất, chấm dứt việc sử dụng bến bãi trung chuyển, kinh doanh VLXD không đúng quy đinh trước ngày 30/01/2015. Tuy nhiên, tại huyện Gia Lâm, hàng loạt bãi khai thác, tập kết, trung chuyển VLXD trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Thậm chí chính quyền nơi đây còn công khai tiếp tay cho sai phạm bằng việc đề nghị “tạo điều kiện”?

Bãi trung chuyển, tập kết, kinh doanh VLXD trái phép vẫn trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn công khai hoạt động

Xã buông lỏng quản lý

Qua quá trình thanh, kiểm tra các bãi chứa, trung chuyển vật VLXD ven sông trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội đã phát hiện hàng loạt đơn vị ở nhiều địa phương sử dụng đất sai mục đích, chiếm đất trái phép…

Theo Thông báo số 452/TB-UBND  ngày 26/12/2014 của UBND Huyện Gia Lâm, trên địa bàn huyện có 32 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại 10 xã có bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các bến bãi đều chưa hoàn thiện các thủ tục cấp phép hoạt động theo quy định.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hàng loạt sai phạm trên vẫn chưa được giải quyết do UBND một số xã còn buông lỏng trong việc quản lý đất đại, hoạt động kinh doanh của các bến bãi; sự phối hợp giữa các phòng ban, ngành liên quan chưa chủ động, chặt chẽ, dứt đểm trong việc xử lý vi phạm...

Trao đổi với Phóng viên Thương hiệu và Công luận, ông Đào Văn Hồng chủ tịch UBND xã Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn xã có 6 bãi trung chuyển VLXD gồm: HTX công nghiệp Cầu Đuống, HTX Thành Đoàn, Công ty TNHH Minh Hạnh, Công ty TNHH XD và TM Đức Mạnh, Doanh nghiệp tư nhân Minh Đức, Công  ty vật tư Nông nghiệp. Trong 6 Bãi trên chỉ có một bãi của Công ty vật tư Nông nghiệp là được thành phố cấp đất, cấp phép mở bến bãi, còn lại các bãi khác chưa có giấy phép.

Tại khu vực Cầu Đuống trước đây, xã cho Nhà máy cơ khí Yên Viên thuê để làm nơi sản xuất xà lan. Sau một thời gian, lãnh đạo Nhà Máy đã tiến hành bàn giao lại đất cho xã, tiếp đó HTX Công nghiệp Cầu Đuống và HTX Thành Đoàn đã thuê lại. Hiện tại, UBND xã đã thanh lý hợp đồng theo kết luận của Thanh Tra.

Huyện đề nghị “tạo điều kiện”?

Chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội là thế. Tuy nhiện, theo ghi nhận của phóng viên, mới đây tại các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa phận xã Yên Viên, Trung Mầu, Phù Đổng (dọc đê sông Đuống)… tình trạng các bãi tập kết, trung chuyển VLXD trái phép đã được Thanh tra sở TN&MT “điểm mặt” vẫn “phớt lờ” quy định, công khai hoạt động suốt ngày đêm. Dàn máy múc, xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn hoạt động hết công suất. Một số tuyến đường đang bị “băm nát” bởi dàn xe quá tải vận chuyển VLXD, một số tuyến khác do VLXD rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao.

Liên quan đến việc này, ông Đào Văn Hồng chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết: Việc xử lý, Xã chỉ ra Quyết định thu hồi, các biên bản bàn giao, tạm giao, hợp đồng… còn việc thu hồi lại đất là rất khỏ. Bởi vì đất này người ta đã  kinh doanh từ nhiều năm nay. Hơn nữa, vị trí các khu đất ấy cũng đã được thành phố và huyện Gia Lâm đưa vào quy hoạch bến bãi.

Về lý, khi đã thu hồi thì các doanh nghiệp phải trả lại mặt bằng cho xã. Tuy nhiên, do vật tư vật liệu trên bãi nhiều, việc di chuyển các loại vật liệu khó khăn nên việc người ta tiếp tục khi doanh trên bãi, việc quản lý là rất khó. Một mặt là huyện Gia Lâm đề nghị, một mặt thì doanh nghiệp không chấm dứt nên việc GPMB triệt để là khó thực hiện.

“Việc xã đình chỉ hoạt động nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình hoạt động, không chịu hoàn trả mặt bằng, xã đã báo cáo lên UBND Huyện, theo đó huyện Gia Lâm cũng nắm được vấn đề. Đây là những tồn tại mà xã chưa giải quyết được, thậm chí UBND huyện Gia Lâm cũng không giải quyết được. Tuy nhiên UBND xã và Huyện Gia Lâm cũng có hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nên nhiều lần Huyện đã đề nghị UBND TP quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh và hoạt động đúng quy định của pháp luật”. Ông Hồng nhấn mạnh.

Trước Kết luận thanh tra của Sở TN&MT, UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát, đồng thời kiên quyết đình chỉ, giải tỏa các trường hợp hoạt động trái phép và không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Chính quyền xã  và huyện Gia Lâm vẫn “phớt lờ” chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội và Sở Tài nguyên và Môi trường, để cho hàng loạt bãi trung chuyển, tập kết VLXD trái phép ngang nhiên hoạt động. Thậm chí, họ còn công khai đề nghị tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên, tiếp tay cho các hoạt động trái phép này hoạt động?

Quyết định  số 711/QĐ-UBND TP. Hà Nội nêu rõ: UBND các quận, huyện, thị xã Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát hoạt động khai thác cát, sỏi, hoạt động trung chuyển VLXD ven sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, giải tỏa các trường hợp hoạt động trái phép và không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; hủy các văn bản cho phép hoạt động khai thác, trung chuyển cát, sỏi không đúng quy định; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trên địa bàn.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Thiên Đức – Duy Thế