Tại Điện Biên Phủ, 70 năm về trước, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã xuất bản và phát hành 33 số báo đặc biệt ngay tại chiến trường, trở thành kênh thông tin hiệu quả nhất, một mũi xung kích trong chiến dịch, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ở Điện Biên Phủ và cả nước.
Tinh thần làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “chấn động địa cầu”.
Tại hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo QĐND cho biết, trên mặt trận thông tin tuyên truyền khi đó, chúng ta đã có thành công, thắng lợi rất lớn, một tờ báo duy nhất được viết, in ấn và phát hành ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày ấy, lực lượng nòng cốt của tòa soạn chỉ có năm người gồm: Hoàng Xuân Tùy - chỉ huy, Trần Cư - thư ký tòa soạn, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp - phóng viên, Nguyễn Bích - họa sĩ trình bày báo.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ chia sẻ: “Trong thời gian ngắn, hoàn cảnh khó khăn, 5 đồng chí đã cho ra 33 số báo rất đặc biệt. Cách đây 10 năm, báo có tổ chức một hội thảo quốc tế thì các đại biểu đến từ Pháp, Đức Nga và Áo đã khẳng định ‘đây là một sản phẩm báo chí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí thế giới, rất giá trị”.
Thượng tá Mè Quang Thắng, Phó Trưởng phòng Công tác Đảng, Công tác Chính trị Báo QĐND cho biết, tòa soạn và nhà in đặt ngay trên sườn đồi Pu Ma Hong ở Mường Phăng, cách hầm của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Điện Biên Phủ một cánh đồng.
Thượng tá Thắng phân tích, tính tiền phương của tòa soạn thể hiện ở ngay việc đặt vị trí trụ sở rất đặc biệt. Nghĩa là từ Pu Ma Hong, mọi thông tin chính thống của Sở chỉ huy chiến dịch được kịp thời tiếp nhận để chuyển tải đến các đơn vị và dân công hỏa tuyến.
Ngày 28/12/1953, Báo QĐND ra số báo 116 - số báo đầu tiên tại mặt trận vào thời kỳ các đơn vị chuẩn bị trận địa, làm đường kéo pháo, đưa pháo vào trận địa để kịp ngày 26/1/1954 bắt đầu cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.
Đến trưa 26/1/1954, khi các đơn vị đã sẵn sàng thì có lệnh hoãn tiến công và chuẩn bị lại cuộc chiến đấu theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.
Ngày 1/2/1954, phát hành số báo Xuân Giáp Ngọ 1954, lần đầu tiên ở mặt trận bộ đội và dân công được đọc thơ chúc tết có cả chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 10/3/1954, trước giờ nổ súng ba ngày, tòa soạn tiền phương của Báo QĐND ra số báo đặc biệt: Số báo 130 đã đăng trang nhất lời kêu gọi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tựa đề “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân Pháp tại Điện Biên Phủ”.
Ngay sau khi ta chiếm được Him Lam, ngày 14/3/1954, trong số báo 131 đã đưa tin chiến thắng giòn giã với tiêu đề “Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”.
Ngày 11/5/1954, số báo 147 chạy tít lớn tràn trên trang nhất của bán Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam công bố: “Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ”.
Đến 16/5/1954, tòa soạn tiền phương xuất bản số báo 148 với những nhận định thắng lợi, các điện văn chúc mừng bên cạnh là bài tường thuật cảnh đầu hàng của hàng nghìn binh lính Pháp tại chiến trường Điện Biên. Đây là số báo đặc biệt và cũng là số báo cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thượng tá Mè Quang Thắng cho biết, trong thời gian 140 ngày đêm, từ 28/12/1953 đến 16/5/1954, tòa soạn tiền phương Báo QĐND đã in ấn và phát hành 33 số báo.
Nội dung các tin tức, bài viết đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến chiến sự, cuộc sống sinh hoạt, tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất; vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ thị của cấp trên...
Mỗi bài viết đều thấm mồ hôi, nước mắt, xương máu của những người cầm súng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Nhiều phóng viên, cộng tác viên đã bất chấp hiểm nguy trên chiến trường, có mặt tại những điểm nóng, khai thác những chi tiết hay nhất, độc nhất.
Bảo QĐND được ra đời ngay tại mặt trận mang hơi thở của chiến trường, đã trở thành món ăn tinh thần vô giá đối với bộ đội ta ngay trong điều kiện chiến đấu khó khăn, thiếu thốn và gian khổ nhất.
Những người làm báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là phóng viên vừa là người lính chiến đấu, thậm chí kiêm luôn cả vai trò phái viên tuyên huấn của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Từ đây, nhiều phóng viên được thử thách, trưởng thành về cả bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, trở thành những cán bộ nòng cốt xây dựng các cơ quan văn hóa trong Quân đội.
Thượng tá Mè Quang Thắng khẳng định, Báo QĐND xuất bản tại mặt trận đã trở thành một loại “vũ khí đặc biệt”, thể hiện tính nhân văn và nghệ thuật quân sự của QĐND Việt Nam, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Điện Biên Phủ; để lại một dấu ấn sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo vietnamnet.vn