THCL Những ngày qua, việc MobiFone chính thức công bố đã mua lại 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), nhưng không công khai giá trị thực - đã khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch của thương vụ này.

Mobifone chọn AVG…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù chưa rõ số tiền MobiFone đưa ra để sở hữu 95% cổ phần của AVG, nhưng mục tiêu của MobiFone không gì khác ngoài việc muốn cạnh tranh với VNPT và Viettel, bởi VNPT đang có MyTV, Viettel có NextTV. Vì vậy, quyết định mua AVG sẽ giúp MobiFone giảm thời gian xây dựng thương hiệu truyền hình, giảm đầu tư về cơ sở hạ tầng, cũng như tận dụng lượng thuê bao đang sử dụng truyền hình AVG.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tính đến cuối năm 2014, tổng thuê bao của AVG vào khoảng 450.000 (theo số liệu của Bộ TT&TT), một con số khá khiêm tốn so với thị trường 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (gồm cả truyền hình cáp và số vệ tinh).

Nếu so sánh trong số 3 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh gồm VSTV (sở hữu hệ thống K+) và VTC, thì hiện thuê bao của AVG là ít nhất. Hơn nữa, 2 năm trở lại đây, trong khi hai đối thủ liên tục tăng trưởng tốt về số thuê bao, thì tốc độ của AVG gần như chững lại. Các thuê bao của AVG chủ yếu phát triển ở vùng nông thôn nhờ giá cước rẻ (20.000 - 50.000 đồng/tháng), thậm chí miễn phí thuê bao từ 1 - 2 năm nên khả năng gia tăng các nguồn thu từ dịch vụ khác cũng không đáng kể.

Bên cạnh đó, hạ tầng của AVG được đánh giá là không có nhiều lợi thế so với các DN truyền hình trả tiền khác. Là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên AVG không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh để tự sản xuất, mà phải liên kết với các đài và chỉ bó hẹp trong một số nhóm đối tượng khán giả.

Ngoài ra, sau khi sở hữu AVG - thương hiệu truyền hình An Viên được chuyển thành MobiTV thì vấn đề đặt ra cho MobiFone là phải tổ chức chương trình truyền hình thu hút người xem trong bối cảnh truyền hình trả tiền đang có cạnh tranh lớn. Hiện tại, ngoài VTV cáp, HTV, K+, MobiFone phải cạnh tranh với truyền hình cáp Hà Nội, truyền hình FPT, MyTV… Với mục tiêu đầu tư truyền hình để không kém cạnh các đối thủ viễn thông khác như Vinaphone, Viettel thì thương vụ mua AVG có thể đem lại nhiều rủi ro cho MobiFone.

Nhận định về vụ việc trên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đánh giá: “DN hiện nay hướng đến đầu tư đa lĩnh vực, việc mua cổ phần AVG - chắc chắn MobiFone đã có tính toán. Để nói thương vụ đầu tư của MobiFone có khả thi hay không, có rủi ro hay bị hớ thì phải xem giá MobiFone bỏ ra mua 95% cổ phần AVG là bao nhiêu…?

Nếu không có gì khuất tất MobiFone có thể công bố chi tiết giá trị mua bán cổ phần, cũng như định hướng đầu tư vào truyền hình. Minh bạch thông tin này sẽ giúp MobiFone dễ dàng hơn trong quá trình cổ phần hóa. Bởi, nhà đầu tư chỉ bỏ tiền mua cổ phần, đầu tư vào MobiFone khi họ biết được các kế hoạch đầu tư, định hướng phát triển của MobiFone”.

Quy chế có đúng luật?

Liên quan đến vụ việc, MobiFone cho rằng, là một tổng công ty nhà nước, MobiFone có nghĩa vụ cung cấp tất cả các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh với cơ quan chủ quản. MobiFone được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ hồ sơ, tài liệu của dự án theo quy chế tài liệu mật.

Tuy nhiên, theo VAFI khẳng định, việc MobiFone từ chối công bố thông tin về thương vụ mua lại AVG là phạm luật, do MobiFone là DNNN, không phải DN gia đình hay tư nhân, mọi hoạt động của MobiFone cần phải đảm bảo tính minh bạch, công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội...

“Pháp luật hiện hành đã phân định rõ, chỉ có DN trực thuộc Bộ QP, Bộ CA được kinh doanh những ngành nghề liên quan đến bí mật, an ninh chính trị quốc gia; DNNN 100% vốn điều lệ hay Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với những ngành kinh doanh quan trọng và có điều kiện. Đối chiếu các quy định pháp luật thì AVG hiện nay là DN 100% vốn tư nhân, chứng tỏ các ngành nghề kinh doanh của AVG không ảnh hưởng đến an ninh, bí mật quốc gia.

Do đó, thông tin về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG không thuộc diện bí mật quốc gia, việc MobiFone không công bố thông tin thương vụ mua cổ phần AVG đã vi phạm Điều 23 Nghị định 81 quy định về Xử lý vi phạm về công bố thông tin…”, ông Hải nhấn mạnh.

TS. Phạm Thế Anh (ĐH KTQD) cho rằng: “MobiFone phải công khai thương vụ mua bán, bởi đây là DNNN, tài sản là của người dân, trong khi AVG là một DN không thuộc lĩnh vực AN - QP. Trên thực tế, hoạt động mua bán sáp nhập có thể là cơ hội để các bên nâng giá nhằm đem lợi đến cho một số tổ chức hay cá nhân liên quan nên càng không thể giấu giếm. Nếu thông tin không công khai, người ta có quyền nghi ngờ và tôi cũng nghi ngờ có thể có lợi ích nhóm…”.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá cũng cho biết: “Nếu các công ty thẩm định chọn cùng một phương pháp, nguyên tắc nhưng dữ liệu đầu vào lựa chọn thông số khác nhau, thời điểm thu thập các chứng lý khác nhau thì kết quả sẽ khác nhau. Tuy nhiên, chênh lệch cũng không quá lớn như với trường hợp AVG. Một DN định giá AVG là hơn 33.000 tỷ đồng, gấp đôi so với con số 16.500 tỷ đồng của một DN khác là quá vô lý. Dấu hỏi rất lớn là tại sao có sự chênh nhau khá lớn về số tiền định giá AVG? Những DN này đã chọn phương pháp định giá nào dẫn đến sự chênh lệch này?

Bên cạnh đó, theo quy định Luật giá, DN phải có trách nhiệm công bố công khai thông tin về giá, chứ đây không phải là thông tin ngầm. Do vậy, MobiFone phải công khai các thông tin về điều kiện, các đặc điểm, thông số kỹ thuật, kết quả định giá cả... về AVG”.

Tuấn Ngọc