
Theo Cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn, thời gian gần đây tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp, dưới nhiều hình thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, phức tạp.
Khi người dân đã cảnh giác hơn do được các cơ quan chức năng và lực lượng công an tuyên truyền, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: Mời đầu tư chứng khoán, làm nhiệm vụ online, giả danh công an, mời vay tiền trực tuyến… thì trong thời gian gần đây, các đối tượng tăng cường hoạt động với thủ đoạn giả danh lực lượng chức năng, luật sư, làm dịch vụ lấy lại tiền lừa đảo qua mạng, để tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ từng là nạn nhân của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thủ đoạn của các đối tượng là lập ra các website, fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội, với tên có dạng: “Cổng tiếp nhận thông tin trình báo lừa đảo trên không gian mạng”, “Lấy lại tiền bị lừa đảo”, “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao”, “Văn phòng luật sư”… để giả danh lực lượng công an, luật sư; đồng thời đăng tải các nội dung quảng cáo có thể lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo trên không gian mạng.
Để tạo niềm tin cho người dân, các đối tượng còn xây dựng các phóng sự giả gắn logo của các đài truyền hình uy tín, với nội dung về công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, kèm theo nội dung giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa đảo nếu liên hệ và làm theo hướng dẫn.
Dưới các bài viết, phóng sự này, các đối tượng còn tạo ra hàng loạt “tài khoản ảo”, để bình luận, cảm ơn với nội dung đã lấy lại được tiền bị lừa đảo thông qua các website, fanpage.
Khi người dân liên hệ để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hình thức bị lừa đảo, số tiền bị lừa, thông tin tài khoản ngân hàng…
Khi người dân cung cấp thông tin, các đối tượng gửi cho người dân đường dẫn website giả mạo, có giao diện giống với website, trang thông tin điện tử của lực lượng công an. Trên đó, hiện thị các thông tin cá nhân của người dân và số tiền đã bị chiếm đoạt.
Sau đó, các đối tượng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng giả mạo cơ quan công an để khai báo, từ đó chiếm đoạt quyền điều khiển điện thoại di động, để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu người dân đóng phí, chuyển tiền cọc khoảng từ 10 – 20% số tiền bị treo, lừa đảo. Sau khi người dân chuyển tiền theo yêu cầu, sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền này.
Ngoài ra, khi cung cấp thông tin cá nhâ, thông tin tài khoản ngân hàng, người dân có thể bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng thông tin cá nhân vào các hoạt động vi phạm khác.
Cơ quan Công an tỉnh Lạng Sơn đề nghị: Thủ trưởng các ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, nhân dân biết để cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo; phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý các loại tội phạm trên;
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, tăng cường phối hợp đăng tải tin, bài tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng tránh, xử lý;
Ngân hàng Nhà nước khu vực 5 chỉ đạo các ngân hàng thương mại, cổ phần tăng cường cảnh báo đến người dân khi tham gia các giao dịch chuyển tiền, tạo lập đăng ký tài khoản ngân hàng;
Các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhất là những cán bộ, công nhân viên làm việc tại bộ phận tiếp nhận, xử lý công việc qua mạng internet về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, nâng cao cảnh giác, phòng ngừa và ngăn chặn thiệt hại.
Nguyễn Kiên