"Tôi nhận thấy rất lạ là NHNN chưa có bất kỳ ý kiến chính thức nào về vấn đề này, khi dư luận phản ứng rất nhiều về tình trạng sở hữu vượt trần thì nó vẫn tiếp tục diễn ra", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc cá nhân, gia đình ông Trầm Bê nắm giữ quá số vốn cho phép tại ngân hàng Phương Nam đã vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010.

Các chuyên gia đặt câu hỏi, tại sao ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn chưa có bất kỳ động thái nào cho thấy sẽ vào cuộc để thanh tra, xác minh và điều chỉnh?

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, trường hợp gia đình ông Trầm Bê đã vi phạm 2 điều, một là cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, hai là cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng cho biết, các cổ đông sáng lập đã nắm giữ tỉ lệ lớn vốn tại tổ chức này trước khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2011 nhưng không chấp nhận ngoại lệ nào vì kể từ khi luật có hiệu lực thì các trường hợp sở hữu vốn vượt quá giới hạn cho phép đều phải thoái vốn ngay lập tức không phải để đến lúc này mới xem xét thoái vốn.

"Tôi nhận thấy rất lạ là NHNN chưa có bất kỳ ý kiến chính thức nào về vấn đề này, khi dư luận phản ứng rất nhiều về tình trạng sở hữu vượt trần thì nó vẫn tiếp tục diễn ra", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Cũng theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, NHNN cần phải chấn chỉnh, xử phạt và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thoái phần vốn vượt quá giới hạn sở hữu cho phép.

Gia đình ông Trầm Bê hiện đang giữ hơn 20% vốn tại ngân hàng Phương Nam. Hàng dưới từ trái sang: Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa.

Đồng quan điểm, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc NHNN cũng cho biết, NHNN phải vào cuộc, đặc biệt là Tổ chức quản lý tín dụng, thanh tra phải xác minh có thể phải điều chỉnh cổ phần cho các cổ đông khác hoặc bán lại cho các cổ đông khác.

Mặc dù theo khoản 5, Điều 161 của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010, quy định NHNN phải có hướng dẫn cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp với các tổ chức tín dụng để thực hiện quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Tuy nhiên, sau 3 năm, tỷ lệ sở hữu của các cá nhân vẫn cao hơn quy định và thông tư hướng dẫn vẫn nằm ở dạng "dự thảo".

Để giải quyết vấn đề này, TS Đinh Tuấn Minh - thành viên nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, Ủy ban kinh tế Quốc hội đề xuất 2 phương án: cổ đông phải bán, chuyển nhượng bớt cổ phần hoặc ngân hàng phải tăng vốn điều lệ, qua đó giảm tỉ lệ nắm giữ của cổ đông tại ngân hàng xuống.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, nếu ép bán, chuyển nhượng cổ phần thì họ sẽ chuyển sang một hình thức khác không đưa đến một kết quả như mong đợi mà cần những cách thức tiếp cận khác như thúc đẩy cổ phần hóa, bán cho nước ngoài.

"Nên đặt ra lộ trình nhất định để họ thoái bớt vốn chủ sở hữu hoặc tăng vốn điều lệ, tìm cổ đông mới thì tỉ lệ cổ phần giảm và không rơi vào trường hợp sở hữu chồng chéo, cá nhân doanh nghiệp sở hữu hoặc họ hàng con cháu sở hữu và các hình thức khác che đậy", TS Minh nói.

Báo cáo quản trị năm 2013 của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) mới công bố cho thấy, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê đã nắm là 20,81% vốn của ngân hàng.

Ông Trầm Bê đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 8,36% vốn điều lệ, con trai Trầm Trọng Ngân - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cũng giữ 4,42% vốn điều lệ, con gái ông Trầm Bê là Trầm Thuyết Kiều sở hữu 7,36% vốn ngân hàng, chồng của Trầm Thuyết Kiều là Lê Trọng Trí cũng sở hữu 0,67% vốn của ngân hàng.

Theo ĐV