THCL Sai phạm trong việc cấp giấy tạm giao sử dụng đất trái thẩm quyền của UBND xã Cao Minh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Vị trí cống số 7 trong khoanh màu đỏ
Lấn chiếm, xây nhà trên đất thủy lợi
Một số hộ dân sống quanh khu vực cống số 7 (đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa phận thôn Yên Điềm, xã Cao Minh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) bức xúc về việc gia đình bà Nguyễn Thị Tư xây dựng nhà trái phép trên đất thủy lợi gây ngập úng.
Sau khi có đơn phản ánh,cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Cao Minh xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng nhiều năm qua, sự việc không được giải quyết gây bức xúc trong dư luận.
Bà Đinh Lan Phương, người đại diện đứng đơn tố cáo cho biết, bà Nguyễn Thị Tư lấn chiếm đất và xây nhà trái phép phía bên cạnh cống số 7 bắt đầu từ năm 2004. Mặc dù người dân quanh khu vực không đồng tình và cán bộ đại diện thôn cũng trực tiếp nhắc nhở, nhưng gia đình bà Tư vẫn cố tình thi công.
Tháng 6/2011, gia đình bà Tư lại tiếp tục xây nhà trên phần đất thuộc khu vực cống số 7, chỉ trong 2 ngày (mùng 6 – 7), gia đình bà tư cho người xây dựng cả ngày lẫn đêm cho tới khi xây xong nhà cấp 4.
Tìm hiểu được biết, gia đình bà Tư sử dụng đất cả 2 bên cống, phần đất của một bên cống, bà Tư đã chuyển nhượng cho người khác, phần còn lại, năm 2011, gia đình bà Tư tự ý xây dựng nhà tạm trái quy định.
Quan sát tại thực địa, vị trí nhà cấp 4 do gia đình bà Tư xây dựng nằm phía bên phải cống số 7 (hướng về phía UBND phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên). Phía trên mặt cống là công trình cốt nền nhà của một hộ gia đình khác, phần dưới cống số 7 rất nhiều gạch và bê tông vỡ.
Người dân địa phương phản ảnh: Việc tự ý lấn chiếm đất, xây nhà trên đất thủy lợi, không chỉ gây bức xúc trong dư luận, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của các hộ dân. Cứ khi nào mưa lớn là lại ngập, nước mưa núi Thằn Lằn đổ về cống số 7 lượng lớn, thậm chí tràn vào nhà dân làm hư hại nhà cửa, đồ dùng trong gia đình. Một số bà con, khi đi qua cống số 7 lúc trời mưa to bị nước cuốn, may mắn được người dân quanh đây phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Có hay không việc bao che cho sai phạm?
Tại Văn bản số 1098 ngày 30/12/2011 của UBND thị xã Phúc Yên về việc giải quyết đơn thư của các hộ dân sống quanh khu vực cống số 7 – theo đó đã giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Phúc Yên tham mưu cho UBND thị xã ra quyết định thu hồi thửa đất vi phạm của gia đình bà Tư; giao Chủ tịch UBND xã Cao Minh thực hiện thu hồi và quản lý thửa đất trên theo đúng quy định. Yêu cầu gia đình bà Tư tháo dỡ công trình sai phạm, trả lại mặt bằng. Thời gian thực hiện trước ngày 30/04/2012.
Văn bản cũng chỉ rõ, việc UBND xã Cao Minh cấp giấy tạm giao sử dụng đất ngày 28/10/1991 cho gia đình bà Nguyễn Thị Tư là trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai năm 1988. Trong giấy tạm cho sử dụng đất của UBND xã Cao Minh không ghi rõ vị trí, không có mốc giới, số ô, số thửa. Không thể hiện thông tin phần đất trên bản đồ địa chính…
Về phía UBND xã Cao Minh, tại Báo cáo số 37b/BC-UB ngày 15/09/2011, UBND xã Cao Minh xác định, qua kiểm tra hồ sơ địa chính của UBND xã quản lý và bản đồ đo vẽ năm 2004, cũng như trong sổ mục kê không thể hiện thửa đất và cũng không quy chủ thửa đất trên mang tên bà Nguyễn Thị Tư, mà thể hiện là đất thủy lợi do UBND xã Cao Minh quản lý.
Tưởng chừng sau từng đó văn bản, UBND xã Cao Minh sẽ xử lý dứt điểm vụ việc. Thế nhưng, đến ngày 17/12/2014, UBND xã Cao Minh lại ra Kết luận số 02/KL-UBND với nội dung trái ngược các văn bản đã ban hành trước đó. Kết luận 02/KL-UBND cho rằng, gia đình bà Nguyễn Thị Tư không lấn chiếm đất là dựa trên căn cứ bà Nguyễn Thị Tư được UBND xã Cao Minh cấp giấy tạm cho phép sử dụng đất cạnh 2 bên cống số 7 (cấp giấy tạm cho phép sử dụng đất đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” trước đó)?
Cách giải quyết của UBND xã Cao Minh khiến dư luận hoài nghi và đặt câu hỏi: Có hay không việc cố tình bao che cho sai phạm tại địa phương này?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tuấn Anh – Phạm Nga