ĐB Hà Sĩ Đồng (Đoàn Quảng Trị)
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng tại hội trường ngày 26/10, ĐB Hà Sĩ Đồng bày tỏ sự tán thành với việc cần thiết ban hành dự án Luật; đồng thời đề xuất lồng ghép luôn những vấn đề cần chỉnh sửa tại dự án Luật để bảo đảm tính đồng bộ, tính hoàn thiện của việc sửa đổi, bổ sung; xem xét tổng thể, thấu đáo, tránh việc sửa đổi manh mún, gây mất ổn định, tốn kém ngân sách và lãng phí thời gian, bởi đây là văn bản quan trọng có tác động đến toàn nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia.
Đề cập tới việc định nghĩa và phạm vi người có liên quan, ĐB Đồng cho rằng, mặc dù được quy định rõ tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng và đề cập đến trong rất nhiều điều luật cụ thể, đặc biệt là liên quan đến việc xác định hành vi sở hữu chéo.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định về người có liên quan và công tác thanh tra, giám sát, đề nghị làm rõ về phạm vi xác định người có liên quan, bởi các tổ chức tín dụng, ngoài chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng còn bị điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán.
Các luật này cũng quy định khái niệm về người có liên quan nhưng không trùng khớp với Luật Các tổ chức tín dụng. Vậy, các tổ chức tín dụng khi xác định người có liên quan sẽ căn cứ theo luật nào hay toàn bộ các luật có liên quan.
Đây là điểm cần làm rõ nhằm giải quyết các vướng mắc của tổ chức tín dụng không phải trong phạm vi nội dung này mà còn liên quan đến việc xác định hành lang pháp lý phù hợp hoạt động cho các tổ chức tín dụng, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật.
ĐB Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) nhìn nhận, sau khi nhìn lại các vụ đại án liên quan tới các tổ chức tín dụng đã đưa ra xét xử trong những năm gần đây đã chứng tỏ thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn, nhất là việc giải quyết, xử lý hậu quả các tổ chức tín dụng yếu kém. Chính vì vậy việc phân công con người hoặc buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt.
“Bởi lẽ cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồm xuôi gió, ăn ngon ngủ yên thì không ai dám dũng cảm xung phong nhảy vào giải cứu các tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Qua tìm hiểu, nhiều cán bộ có năng lực, trách nhiệm được giao làm nhiệm vụ này ví như đang tháo ngòi nổ quả bom. Vì việc xử lý 1 tổ chức tín dụng yếu kém rất phức tạp, phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong khi đó, quá trình cơ cấu lại, xử lý đòi hỏi phải có các quyết định, giải pháp hiệu quả. Thậm chí không có tiền lệ cũng như chưa có quy định pháp luật rõ ràng nhằm ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu rủi ro, lan truyền, ảnh hưởng tới mức độ an toàn, lành mạnh của cả hệ thống tổ chức tín dụng, nhất là đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền”, ĐB Vượt nhấn mạnh.
ĐB Vượt góp ý, rất cần có quy định cụ thể về trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Nhân tố con người vẫn là quyết định để tái cơ cấu hiệu quả.
Mặt khác cũng phù hợp với thực tế và thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Qua tìm hiểu, tôi được biết một số nước có quy định về miễn trách nhiệm với cán bộ tham gia vào quá trình này. Tuy nhiên, đây không phải là quy định vô điều kiện mà phải đáp ứng các điều kiện, phạm vi, quyền hạn. Nếu người đã thực hiện nhiệm vụ được giao công tâm, trung thực, khách quan, không vụ lợi, đúng nhiệm vụ.
Trần Nguyên