Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và có giá trị, độc đáo nhất còn lại ở Đông Nam Á. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự của nước ta dưới triều Hồ. Thành trì này được xây dựng vào năm 1397, sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ ước tính lên tới trên 25.000 m3 đá và trên 100.000 m3 đất.
Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã nỗ lực phát triển thêm nhiều sản phẩm, không gian mới phục vụ khách du lịch tham quan. Trong đó, phải kể đến: “Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây đô”; “Không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”; khai thác không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng phía nam; trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh...; ồng thời, đưa vào chương trình tham quan khu vực phụ cận thành Nhà Hồ.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ đã trình bày định hướng 4 tour tham quan di sản, gồm: Tour 1: Nhà Trưng bày - Khu trưng bày ngoài trời (cải cách triều Hồ, trưng bày trụ chân tảng) - Không gian Văn hóa nông nghiệp vùng Tây đô - Cổng Nam và khu trưng bày đá xây thành; Tour 2: Nhà Trưng bày - Đền Bình Khương - Hoàng thành - Nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng - Cổng Nam và khu trưng bày đá xây thành; Tour 3: Phòng Trưng bày bổ sung - Đền Bình Khương - Chùa Linh Giang - Chùa Nhân Lộ - Cổng Nam - Khu trưng bày đá xây thành nhà Hồ; Tour 4: Cổng Nam thành nhà Hồ - Chùa Hà Lương - Núi Tiến Sỹ - Núi Xuân Đài, động Hồ Công - Đàn Nam Giao - Chùa Tường Vân - Đền Trần Khát Chân - Đền Tam Tổng.
Qua tham quan, khảo sát thực tế, các đại biểu cơ bản thống nhất với các tour đã được xây dựng. Cùng với đó, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung trọng tâm, như: Quan tâm xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên; làm mới dịch vụ và các bài thuyết minh nhằm hấp dẫn du khách; nghiên cứu đặt tên tour du lịch theo chủ đề, ý nghĩa mang tính tổng thể của mỗi hành trình; liên kết thành nhà Hồ với các di tích phụ cận trên địa bàn huyện để hình thành các tour du lịch mới, gắn với hoạt động trải nghiệm vùng di sản; huy động sự vào cuộc của cộng đồng địa phương...
Về phía các đơn vị lữ hành, đề nghị: Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cần tổ chức các chương trình famtrip, kết nối thành nhà Hồ với các điểm đến phụ cận, với sự tham gia của các chuyên gia và đơn vị lữ hành uy tín. Qua đó, có thêm cơ sở nhằm xây dựng đa dạng tour du lịch, phù hợp với từng thị trường, đối tượng khách. Mặt khác, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch tại khu trung tâm và các điểm đến phụ cận nhằm tăng khả năng chi tiêu của du khách.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cảm ơn những ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đại diện các doanh nghiệp lữ hành. Đây là cơ sở để Trung tâm tiếp tục đổi mới hoạt động, xây dựng nội dung thuyết minh và đa dạng chương trình du lịch khám phá di sản, đáp ứng nhu cầu của du khách trong thời gian tới.
Lê Nam