Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng ở Đăk Nông, ngoài việc xét xử nghiêm minh những người phạm tội, các cơ quan tố tụng còn có nhiệm vụ phán xét số tiền 511 tỷ 464 triệu đồng mà VDB thu nợ từ các khách hàng bây giờ sẽ thuộc về ai, VDB hay OCB và Nam Á?

Về việc này, VKSND tỉnh Đăk Nông cho rằng VDB phải trả OCB và Nam Á đã không được luật sư và VDB đồng tình...

Lời khai chấn động của OCB

Liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Hà Nội và Ngân hàng TMCP Phương Đông-Sở Giao dịch TP.HCM, tại phiên tòa lời khai của Lâm Hữu Hạnh - nguyên Phó Tổng  giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông và Tạ Thị Xuân Ý - nguyên Phó bộ phận quan hệ khách hàng - Sở giao dịch TP HCM- Ngân hàng TMCP Phương Đông (gọi tắt là OCB - Sở giao dịch TP HCM) gây chấn động đối với những người dự phiên tòa. Các bị cáo đã thừa nhận các hành vi lừa đảo của Ngân hàng OCB, nhưng bản luận tội của VKSND tỉnh Đắk Nông lại không hề đề cập đến, vẫn giữ nguyên bản luận tội có lợi cho OCB, yêu cầu VDB Đăk Nông (một ngân hàng của Chính phủ) phải mang tiền của Nhà nước cho OCB (một ngân hàng cổ phần).


Các bị cáo tại phiên tòa

Cụ thể, tại phiên tòa các bị cáo Nguyễn Thị Vân-Chủ nhiệm HTX Sông Cầu, Trần Thị Xuân - GĐ Công ty Nhật Tân, Nguyễn Thị Kim Loan, Cao Bạch Mai đã khai việc bị cáo Tạ Thị Xuân Ý giúp sức làm hồ sở thủ tục khống để vay vốn tại OCB - Sở giao dịch TP HCM. Khi bị Hội đồng xét xử hỏi thì bị cáo Tạ Thị Xuân Ý, nguyên Phó bộ phận quan hệ khách hàng của OCB trả lời rất hồn nhiên: “Bị cáo không biết những việc làm của mình như vậy là sai phạm vì bị cáo không biết một bộ hồ sơ vay vốn tín dụng đầy đủ là gì, trước khi được bổ nhiệm, bị cáo không được Ngân hàng đào tạo và không được cấp trên phổ biến gì về quy trình để thẩm định hồ sơ vay vốn ngân hàng. Trước đây bị cáo được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty chứng khoán của OCB nên khi được chuyển sang làm công việc bộ phận quan hệ khách hàng thì không biết gì việc một bồ hồ sơ vay vốn bao gồm những giấy tờ gì”.

Cũng tại phiên tòa lời khai của Lâm Hữu Hạnh – nguyên Phó Tổng  giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông đã thừa nhận việc cho một số doanh nghiệp vay 200 tỷ mà không có tài sản đảm bảo và cũng cho vay vượt hạn mức quy định. Khi Hội đồng xét xử hỏi về việc Ngân hàng Phương Đông đã thu lãi trước khi giải ngân các khoản vay cho khách hàng có đúng các quy định của pháp luật không? Đại diện theo ủy quyền nguyên đơn dân sự của Ngân hàng TMCP Phương Đông đã cũng thừa nhận việc thu lãi trước khi giải ngân các khoản vay cho các khách hàng là không đúng với các quy định của pháp luật. Sau khi nghe được những lời khai trên, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thanh Loát đã nói rằng, nếu Ngân hàng Phương Đông làm đúng quy trình cho vay chắc là sẽ hạn chế được các hành vi lừa đảo của các bị cáo.


Theo tài liệu mà PV có được, theo nội dung “Hợp đồng tín dụng kiêm hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi tại OCB” cho thấy đảm bảo tiền vay phải là hợp đồng tiền gửi tại OCB. Nhưng thực tế OCB đã nhận cầm cố bằng hợp đồng tiền gửi tại VDB, trong khi hợp đồng tiền gửi chưa có hiệu lực, vì khách hàng chưa có tiền để gửi vào Chi nhánh. Ngoài ra, OCB còn có một số vấn dề không phù hợp khác vượt mặt cơ quan pháp luật trong lĩnh vực tín dụng cần được cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ như. Về mức vốn vay, OCB cho vay bằng 100% giá trị hợp đồng tiền gửi của ngân hàng khác; Lãi suất cho vay: Hợp đồng tiền gửi của Công ty TNHH Nhật Tân, OCB cho vay 150 tỷ đồng với lãi suất trong hạn 20,5%/năm (thời điểm tháng12/2010), HĐTD HTX Sông Cầu cho vay 50 tỷ đồng với lãi suất 21%/năm (thời điểm tháng 10/2010); 3 HĐTD còn lại với số vốn cho vay 330 tỷ đồng với lãi suất 28,5%/năm; lãi suất quá hạn  bằng 150% lãi suất cho vay là quá cao so với lãi suất trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều đặc biệt lưu ý, các hợp đồng tín dụng này OCB đã áp dụng lãi suất tùy tiện, hầu hết khách hàng đã phải trả lãi trước từ 2 đến 3 tháng cho OCB, khi cho vay mục đích vay vốn là kinh doanh nhưng thực tế OCB lại chuyển tiền vào tiền gửi không có phương án SXKD, cầm cố bằng hợp đồng tiền gửi chưa có hiệu lực.


Trên 511 tỷ là tiền hợp pháp của VDB


Trước bản luận tội trong cáo trạng của VKSND tỉnh Đăk Nông yêu cầu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải mang tiền của mình trả cho Ngân hàng Phương Đông (OCB),  Luật sư Trần Công Tao, thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VDB phản bác cáo trạng mà VKS Đăk Nông nêu ra. Luật sư Tao khẳng định, số tiền 511 tỷ 464 triệu 742 nghìn đồng mà VDB thu nợ vay tín dụng xuất khẩu từ 04 khách hàng vay (Công ty Thương mại - Dịch vụ Minh Nhật; Công ty Thương mại - dịch vụ Nhật Tân; Hợp tác xã  dịch vụ Nông nghiệp Sông Cầu; Công ty Thương mại - dịch vụ Thủy Ngân) là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ:


Việc thu nợ là dựa trên cơ sở 45 hợp đồng tín dụng đã ký cùng với 61 khế ước nhận nợ, thông báo trả nợ và các chứng từ trả nợ (ủy nhiệm chi hợp lệ) của các khách hàng vay nói trên. Trong các hợp đồng tín dụng đều có Điều khoản thỏa thuận: “Trường hợp có nợ quá hạn và lãi treo, Chi nhánh NHPT có quyền trích bất cứ tài khoản tiền gửi nào của khách hàng để thu hồi nợ mà không cần ý kiến của khách hàng”. Trong trường hợp này, các khách hàng tự nguyện và chủ động trả nợ; đồng thời khi thu nợ, pháp luật không bắt buộc ngân hàng phải có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và trên thực tế cũng không một ngân hàng nào lại hỏi khách hàng “tiền đâu có để trả”; chỉ khi thu tài sản có đăng ký quyền sở hữu nhưng không phải của khách hàng vay để trừ nợ mà sau đó có tranh chấp, bên thu mới phải hoàn trả lại cho chính chủ của nó.


Với VDB - Khu vực Đắk Lắk - ĐăkNông, sau khi tiền chuyển về tài khoản tiền gửi, các khách hàngyêu cầuthanh lý hợp đồng tiền gửi trước hạn để trả các khoản nợ mà họ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam - Khu vực Đắk Lắk - ĐăkNông trước đó. Thực hiện yêu cầu của các chủ tài khoản, Ngân hàng phát triển Việt Nam - Khu vực Đắk Lắk - ĐăkNông phải làm thủ tục cho các doanh nghiệp rút vốn trước hạn, đồng thời thu nợ quá hạn. Đây là quyền hợp pháp của các chủ sở hữu được pháp luật bảo vệ, thể hiện tại Điều 472 Bộ luật Dân sự. Điều luật này quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay từ thời điểm nhận tài sản đó”. Như vậy, kể từ khi số tiền có trong tài khoản của các khách hàng mở tại Ngân hàng Phương Đông hay Nam Á mặc nhiên đã thuộc sở hữu của các khách hàng vay,rồi từ đó mới chuyển qua tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng phát triển Việt Nam - Khu vực Đắk Lắk - Đăk Nông, cho nên họ được toàn quyền định đoạt và Ngân hàng phát triển Việt Nam - khu vực Đắk Lắk - Đăk Nông phải làm theo yêu cầu của khách hàng khi chưa có thủ tục phong tỏa hợp pháp như nói ở trên.


Đồng tình với Luật sư Tao, Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa và Luật sư Trần Văn Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, khi hai Ngân hàng Phương Đông và Nam Á cho các khách hàng vay là họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Cho vay sai, phiêu lưu mạo hiểm thì chính họ phải gánh chịu hậu quả, rủi ro, không thể buộc ngân hàng thu nợ hợp pháp là VDB chịu thay được.


Cả hai luật sư đều cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện lệnh chuyển tiền trả một phần nợ cho VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật vì thời điểm các doanh nghiệp làm thủ tục trả nợ cho VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông là vào ngày 30/12/2010, tại thời điểm này không một văn bản nào của các cơ quan nhá nước có thẩm quyền hay của Cơ quan cảnh sát điều tra về việc cấm các doanh nghiệp đó chuyển tiền cho VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông; Mãi đến ngày 10/03/2011, cơ quan Cảnh sát điều tra mới ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định của pháp luật thì trước khi có quyết định khởi tố vụ án và quyết định phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp thì mọi giao dịch trước đó đều được pháp luật công nhận và bảo vệ, kể từ thời điểm sau khi khởi tố vụ án và quyết định phong tỏa tài khoản của các doanh nghiệp trên thì mọi giao dịch qua tài khoản của các doanh nghiệp trên mới bị cấm giao dịch. Thứ hai, không có một thỏa thuận nào giữa 3 bên là: VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông, Ngân hàng TMCP Phương Đông - Sở GD TP HCM (Ngân Hàng TMCP Nam Á - Chi Nhánh Hà Nội) với các Doanh nghiệp trên để thỏa thuận việc VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông có nghĩa vụ phong tỏa tài khoản của các Doanh nghiệp trên mở tại VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông, cho nên không thể cấm khách hàng rút tiền trong tài khoản của khách hàng tại VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông. Việc các doanh nghiệp cam kết không rút tiền để gửi cho cho vay là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên với Ngân hàng TMCP Phương Đông - Sở GD TP HCM (Ngân hàng TMCP Nam Á-Chi Nhánh Hà Nội), đây là quan hệ vay và cho vay độc lập không liên quan gì tới VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông. Do vậy việc các Doanh nghiệp rút các khoản tiền có trong tài khoản của doanh nghiệp tại VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông để trả nợ cho VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc các doanh nghiệp trên đả làm thủ tục trả nợ và VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông cũng đã tiến hành các thủ tục giảm dư nợ cho các Doanh nghiệp trên ngay tại thời điểm 30/12/2010, cũng như đã chuyển toàn bộ số tiền trên về hội sở chính tại Hà Nội và VDB đã đưa toàn bộ số tiền thu được trên vào lưu thông, hạch toán, kiểm toán, đảm bảo được toàn vốn cho nhà nước. Như vậy, quan hệ giao dịch trên đã được pháp luật công nhận theo quy định của pháp luật và hợp đồng tín dụng vay xuất khẩu, các doanh nghiệp trên đã được giảm trừ sô dự nợ trên theo đúng quy định. Do vậy, số tiền 511.464.742.716 đồng mà các doanh nghiệp trên trả cho VDB - Chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông là tài sản của VDB.

VDB kêu cứu tới các cơ quan Trung ương

Trước khi xét xử vụ án, VDB đã có nhiều văn bản gửi báo cáo Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, cầu cứu các cơ quan Tư pháp Trung ương chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, việc 4 doanh nghiệp có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lập khống các hồ sơ mua bán hàng hóa để gian dối vay vốn tại các ngân hàng, sử dụng vốn vay không đúng mục đích thì 4 doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong văn bản, VDB cũng khẳng định việc VDB thu hồi nợ số tiền 511,464 tỷ đồng tại chi Nhánh VDB khu vực Đăk Lắk – Đăk Nông là hợp pháp và đúng quy định của pháp luật.


Đặc thù VDB là ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nguồn vốn của VDB là nguồn vốn của Nhà nước cần phải được bảo toàn, chính vì vậy Viện kiểm sát và Tòa án cần xem xét rất khách quan, nghiêm minh, đúng bản chất sự việc để giữ được khoản tiền của Nhà nước.

Theo Tin nhanh