Tân Lập là xã của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm ở vị trí trung tâm, những năm qua, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,2 triệu đồng/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn đã và đang được những "Mạnh Thường Quân" hỗ trợ, giúp đỡ.
Điển hình là hoàn cảnh của gia đình ông Bùi Văn Dám, sinh năm 1952, ở xóm Rậm. Nơi đây, ai cũng biết rõ về tình cảnh của vợ chồng ông Dám.
Đã gần 40 năm qua, ông ốm đau bệnh tật triền miên, người con trai duy nhất cũng bị bệnh trầm cảm và chậm phát triển, mọi gánh nặng đè lên đôi vai bà Bùi Thị Ển (SN 1957, vợ ông Dám). Cũng ngần ấy thời gian, bà Ển một mình tần tảo sớm hôm chăm lo cho chồng cho con.
Cả gia đình đều đang sinh hoạt trong một căn nhà chật hẹp, chắp vá từ những đọt "gỗ vụn", qua thời gian, nay như đang chờ một cơn bão đi ngang để sụp đổ. Bên trong căn nhà chẳng có đồ vật gì đáng giá, thứ duy nhất được vợ chồng ông bà coi như báu vật là chiếc tivi cũ mèm nhưng cũng chẳng thể mở lên được.
Khi chúng tôi có mặt để thăm và động viên hoàn cảnh gia đình, bà Ển không giấu được sự khắc khổ trên gương mặt đầy nếp thời gian. Bước đi chậm chạp, mệt mỏi, bà Ển gọi người con trai đang ngồi: "Con ơi, có khách". Bà cứ gọi vậy thôi nhưng bà biết rõ, cậu con trai của mình sẽ rất bỡ ngỡ, ngại ngùng khi gặp người lạ.
Theo lời kể của bà, ông Dám mắc bệnh hen suyễn bẩm sinh và khiếm thính nặng. Ai muốn nói chuyện với ông thì phải nói thật to hoặc dùng tay ám hiệu. Sức khỏe của ông Dám cũng thường xuyên đau yếu nên hơn nửa cuộc đời, ông phải lấy bệnh viện làm 'ngôi nhà' thứ hai.
Vợ chồng ông bà có với nhau được một mụn con trai, những tưởng đó sẽ là chỗ dựa vững chắc lúc về già. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã đã chẳng "chừa" một ai khi cậu con trai duy nhất là Bùi Văn Tôn (SN 1983) cũng mắc chứng trầm cảm bẩm sinh.
Anh bị trầm cảm từ bé nên hiện tại dù đã 38 tuổi vẫn chưa có cơ hội lập gia đình. Anh chỉ có thể giúp đỡ bố mẹ những việc lặt vặt trong nhà. Cũng bởi vậy mà ngần ấy thời gian, bà Ển trở thành lao động chính của gia đình.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà Ển vẫn cặm cụi công việc đồng áng kiếm cơm qua ngày với mấy sào ruộng. Lúc rảnh rỗi bà còn tranh thủ lên núi lấy củi bán, ban đêm thì soi bắt châu chấu kiếm tiền vừa lo từng bữa cơm hàng ngày, vừa dành dụm mua thuốc cho chồng, cho con.
Khó khăn chồng chất khó khăn, dù tuổi cao, sức yếu cộng thêm nhiều bệnh nhưng vì thương con, thương chồng, bà vẫn cứ gắng gượng 'gồng gánh' chăm lo cho cả nhà, đến mức ốm cũng chẳng dám mua thuốc vì sợ hết tiền cả nhà sẽ chẳng có gì ăn.
Cảm thông với gia cảnh gia đình ông bà Dám, hệ thống cửa hàng điện thoại Tuấn Store - một doanh nghiệp địa phương cùng các nhà hảo tâm đã kêu gọi, chung tay ủng hộ giúp đỡ để xây lại ngôi nhà khang trang, tiện nghi hơn cho ông bà.
Những ngày qua, người góp gạch, người góp thùng sơn, người dân xóm Rậm góp công góp sức... tất cả cùng chung tay xây nên "ước mơ" cho vợ chồng bà Dám một ngôi nhà vững vàng có thể che được nắng mưa.
Hướng mắt về ngôi nhà còn mùi sơn mới xây của mình, bà Ển bùi ngùi, xúc động nói: "Cả đời này, điều hai vợ chồng tôi mong mỏi nhất là có được một mái nhà tử tế đủ che nắng che mưa để có thể yên tâm dưỡng bệnh về già. Tôi rất cảm ơn các Mạnh Thường Quân, chính quyền thôn xã, các bà con lối xóm đã chung tay giúp đỡ gia đình tôi để xây dựng ước mơ này, cảm ơn lòng tốt của mọi người".
Ông Bùi Văn Tuyến - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Dám nhiều năm nay vô cùng khó khăn, đã cao tuổi và sức khỏe không được tốt. Gia đình thì ít người nên thời gian qua luôn được chính quyền địa phương quan tâm, hưởng chính sách hộ nghèo của nhà nước.
Hoàng An