Đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất
Trao đổi tại tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 05/04, TS.Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Đối với các dự án yếu kém, kể cả những dự án chúng ta xử lý xong vấn đề cơ chế, quả thực không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, vấn đề là làm sao để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể. Và sắp tới có thể các dự án khác cũng theo phương án xử lý như vậy.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ: Tôi rất nhất trí với nguyên tắc xử lý như vậy. Tôi rất mừng vì nguyên tắc đó được thống nhất. Sự không thống nhất trong nguyên tắc sẽ rất khó để xử lý. Rất mừng vì hiện nay chúng ta có cách tiếp cận đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.
Phải có phương án tối ưu xử lý từng dự án yếu kém
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng: "Đôi khi phải nói ngược, cũng có những dự án có thể không có thị trường, không có khả năng, chúng ta phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản…
Với tư duy của một nhà đầu tư tôi thấy cách tiếp cận này rất hợp lý. Chúng ta đã thống nhất một vài phương án đang đi đúng hướng. Chúng ta đều nói về từng dự án, cá thể hóa từng dự án, đánh giá kỹ từng dự án. Từ đó chúng ta phải có phương án tối ưu cho từng dự án. Đây cũng là điểm rất tốt.
Qua các trao đổi của doanh nghiệp, có thể nhận thấy: Chúng ta đang xử lý rất thị trường. Chúng ta không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường. Đồng thời phải tính đến cả dài hạn.
Ngay cả sau khi khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án. Ông Hiếu đánh giá và nhất trí rất cao cách tiếp cận tối ưu hóa lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan.
Bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp, không can thiệp thô bạo
Thông tin về việc xử lý 05 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Để quyết định đưa 5 dự án ra khỏi theo dõi của Ban Chỉ đạo, phải tính toán rất kỹ.
Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương bàn đi bàn lại, xoay lên xoay xuống rất nhuyễn vấn đề, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các nguyên tắc và quan điểm đã nêu đều thực hiện mấy năm rồi, đến thời điểm quyết định thì thể hiện tính ưu việt cao.
Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp… chứ không can thiệp thô bạo.
Các dự án được xét trên, dưới, xuôi, ngược vẫn theo tôn chỉ hiệu quả thu về, phân loại từng dự án, nhóm dự án. Đặc biệt với những dự án có khả năng phục hồi, nhìn thấy triển vọng hiệu quả và ổn định, sẽ được tập trung xử lý sớm…
Theo ông Hùng: Đây là quyết tâm để tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm chủ động vận hành sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Về 03 dự án nhiên liệu sinh học thì đã được bàn đi bàn lại rất nhiều, thuế nhập khẩu sinh học vẫn tăng với thị trường đã có sự thay đổi so với trước. Những dự án càng duy trì càng lỗ nên mạnh dạn thay đổi rất cơ bản, giảm định danh và cơ cấu sớm để có cơ sở báo cáo các cấp chủ động thực hiện vốn đầu tư vì nhiều đối tác góp vốn vào đây.
Theo Báo điện tử Chính phủ