Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo "Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước". Trên cơ sở đó, việc xử lý các ngân hàng yếu kém đã được tích cực triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đồng thời Bộ Chính trị đã thông qua đề án tái cơ cấu 3 dự án lớn thua lỗ, kém hiệu quả.
Sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai. Cho đến thời điểm này đã có 5 ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu.
Giữa tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt.
TS Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: "Cái quan trọng là mình có tiến trình và thời gian, không gây ra những cái xáo trộn lớn đến hệ thống ngân hàng, sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng cũng như không ảnh hưởng tới quá trình tái cấu trúc các ngân hàng đó theo hướng lành mạnh hóa hệ thống theo chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao".
Còn đối với việc xử lý các dự án thua lỗ, đến nay đã có 5/12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đã có những tín hiệu khởi sắc. Thời gian qua, các dự án, doanh nghiệp này đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chủ động xử lý. Bước đầu đã có bước chuyển biến tích cực, có dự án đã hoạt động trở lại và sản xuất kinh doanh có lợi nhuận. Hiện 5 dự án này đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: "Điều đó minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, của các cơ quan chính phủ nên chúng ta đã có những tín hiệu tích cực từ sự khôi phục của các dự án này".
Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, và chuyển giao, sáp nhập các ngân hàng yếu kém, đây đều là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thậm chí tồn đọng từ trước. Chủ trương, quyết sách đã có và bước đầu ở một số dự án, tổ chức tín dụng cũng đã có những bước chuyển mình. Nhưng đã được nửa chặng đường, vì thế các kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp thua lỗ và các ngân hàng yếu kém cần phải đẩy nhanh tốc độ hơn nữa.
Trúc Mai