THCL Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), trong quá trình xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, bằng biện pháp hình sự còn nhiều khó khăn.
Cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa
Bất cập từ luật
Bộ luật Hình sự có các tội về hàng giả, nhưng chưa có định nghĩa chính thống về hàng giả để làm căn cứ xử lý hình sự đối với loại tội phạm này.
Hiện tại, trong các nghị định xử phạt hành chính lĩnh vực TM, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ NTD có đưa ra các khái niệm khác nhau về hàng giả, như: NĐ 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008; NĐ 08/2013/NĐ-CP ngày 10/1/2013 và NĐ 185/2013 NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động TM, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD…
Nếu như áp dụng khái niệm hàng giả như NĐ 185 hay NĐ 08 nêu trên thì cơ quan điều tra sẽ có nhiều thuận lợi cho việc điều tra, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, không thể áp dụng khái niệm này trong xử lý hình sự về các vụ việc buôn bán hàng giả - vì đây là khái niệm quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động TM, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD.
Theo cách hiểu thông thường, hàng giả phải khác hàng thật và có mẫu hàng thật để so sánh, giám định. Song nhiều vụ việc, các đối tượng sản xuất ra một mặt hàng ghi xuất xứ của một công ty tại nước ngoài. Trên thực tế, lại không có công ty nêu trên hoặc công ty không có loại sản phẩm đó… Vì vậy, không có mẫu để đối chứng so sánh, giám định (giả về xuất xứ hàng hóa).
Bên cạnh đó, trước đây, theo quy định của luật và các văn bản dưới luật thì chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa biện pháp hình sự và biện pháp hành chính trong xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT). Từ đó, dẫn đến một việc vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự, vừa có thể xử bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp này, các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều đối với thủ tục để xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự.
Điều này, gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Cụ thể, tại NĐ 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), quy định về mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền SHCN, như: Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng CN (Điều 11); sản xuất, NK, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (Điều 12).
Trong đó, mức xử phạt được căn cứ vào giá trị hàng hóa vi phạm và đây cũng chính là hành vi được Luật Hình sự điều chỉnh tại Điều 171 - tội xâm phạm quyền SHCN. Tuy nhiên, theo NĐ 99 chỉ quy định mức phạt tối đa là không quá 250 triệu đồng cho các hành vi vi phạm và lại không quy định giá trị hàng hóa vi phạm tối đa bị xử phạt hành chính. Do đó, mặc dù lượng hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng chục tỷ đồng hoặc nhiều hơn, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính mà vẫn bảo đảm quy định của NĐ này…
Chồng chéo, kém hiệu quả
Trong thực tiễn điều tra, đặc biệt là trong quá trình trinh sát, các cơ quan công an biết rõ các đối tượng cố ý buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT; nhưng khi bị bắt, họ thường khai nhận không biết đó là hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Do thiếu yếu tố cấu thành nên cơ quan điều tra buộc phải tiến hành xử lý hành chính hoặc đổi tội danh vì không chứng minh được lỗi cố ý của đối tượng vi phạm.
Theo quy định của pháp luật, hiện nay, cách thức tổ chức hoạt động của các cơ quan bảo đảm thực thi quyền SHTT chưa phù hợp, không phát huy được tính tích cực, còn nhiều chồng chéo, mối quan hệ phối hợp chưa tốt, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm nên không bảo đảm tính hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời.
Phần lớn công an các tỉnh, lực lượng đấu tranh chống tội phạm về hàng giả và xâm phạm SHTT đều nằm trong đội chống buôn lậu. Trang thiết bị còn thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu công tác.
Đặc biệt là khó khăn về mặt nhận thức của công chúng và chủ thể quyền. Đại đa số các chủ thể quyền ở Việt Nam chưa chủ động thực hiện bảo vệ quyền và tài sản của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào các cơ qua thực thi pháp luật.
Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, muốn khắc phục những nhược điểm nói trên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện các quy định pháp luật về hàng giả và tội sản xuất, buôn bán hàng giả làm cơ sở định hướng thống nhất trong công tác xử lý.
Các lực lượng thực thi (công an, QLTT, hải quan, bộ đội biên phòng…) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong phát hiện, đấu tranh với tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT từ khâu NK, sản xuất, lưu thông trên thị trường. Phải tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đối với các loại tội phạm trong lĩnh vực này.
Không ngừng nâng cao nhận thức cho nhân dân, các chủ thể quyền nhận thức được tác hại của hàng giả, hàng xâm phạm đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đối với DN, cần nâng cao hiệu quả bảo vệ thương hiệu, tăng cường phối hợp với các cơ quan thực thi bảo vệ quyền SHTT nhằm phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh đạt kết quả cao…
Thanh Hà