THCL Ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội: Nếu như năm 2007, số nợ thuế của DN trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng thì đến cuối 2014, con số đã lên tới gần 18.700 tỷ đồng. Để thu hồi nợ đọng thuế, bên cạnh việc gắn với công tác thi đua khen thưởng, Cục Thuế đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.
Ông Hà Minh Hải, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội
Xin ông cho biết về tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn thành phố thời gian qua?
Tính đến tháng 10/2015, trên địa bàn thành phố, đã có 12.557 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, cùng với đó là số nợ thuế tăng nhanh qua mỗi năm.
Cụ thể, từ tháng 9/2008, sau khủng hoảng tài chính lan rộng, bất động sản đóng băng, đến cuối năm 2014, số nợ thuế lên đến 18.699 tỷ đồng, chiếm 17% tổng số nợ. Để thu hồi nợ, Cục Thuế Hà Nội đã có 6 đợt công khai nợ hàng tháng của từng DN. Đến ngày 30/11, đã thông báo có 59.000 DN nợ thuế.
Với những khoản nợ khó đòi, quy trình xử lý sẽ như thế nào và sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ ra sao nếu để xảy ra sai phạm?
Với những khoản nợ lớn, sẽ xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiệm vụ của ngành thuế là phân tích đánh giá, nợ đúng hay nợ sai. Nếu nợ không đúng thì phải điều chỉnh. Hiện tại, mỗi chi cục thuế chỉ có từ 3 - 7 cán bộ làm công tác thu hồi nợ. Vì vậy, phải phân loại nhóm nợ lớn và nợ chây ỳ kéo dài, phức tạp, sau đó, sẽ thực hiện cuốn chiếu từ trên xuống. Về thời gian nợ, cũng phải đối chiếu chính xác. Sau khi phân loại nợ xong rồi, cần xem xét những món nợ nào vướng về mặt chính sách thì các chi cục tìm hướng xử lý sao cho có sự đồng thuận với DN. Trường hợp đã phân loại - xác định không vướng mắc, thì cơ quan thuế sẽ động viên, thuyết phục để khuyến khích DN vừa có nguồn tiền để bảo đảm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa dành một phần hoàn trả nợ thuế vào NSNN.
Trên thực tế, cũng có trường hợp cán bộ thu hồi nợ thuế chưa thực hiện đúng quy trình thu hồi nợ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân chất lượng cán bộ, vai trò của người đứng đầu, sự sáng tạo, linh hoạt của những cán bộ trực tiếp triển khai. Nếu quy trình chưa đơn giản, chưa hiệu quả thì chúng ta phải tiếp tục đề xuất. Thực tế, đã có cán bộ xin chuyển công tác vì chưa thực hiện đúng quy trình, có thể khách quan do khối lượng công việc lớn, do năng lực trình độ hạn chế… nhưng vẫn phải kiểm điểm. Để xử lý dứt điểm, Cục Thuế sẽ thực hiện - xác định vai trò người đứng đầu, kiểm tra tác phong của các chi cục trưởng. Khi có dấu hiệu vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm; đồng thời đây sẽ là căn cứ để Cục Thuế đánh giá thi đua cả năm.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương đẩy mạnh việc công khai danh sách DN nợ thuế. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của việc làm này?
Sau khi ngành thuế công khai danh sách các DN dây dưa nợ thuế, nhiều DN bị “bêu” tên…, nhiều DN đã chủ động nộp thuế còn nợ vào NSNN, hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết tiến độ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế còn nợ… Tính đến ngày 27/11, sau 5 lần công khai số nợ thuế của 470 DN, đã có 242 đơn vị nộp tiền nợ thuế vào NSNN với tổng số tiền 1.475,5 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội cũng khuyến cáo DN còn nợ thuế cần thu xếp nguồn và khẩn trương nộp nợ vào NSNN trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
Tới đây, việc công khai danh sách DN nợ thuế sẽ là việc làm thường xuyên. Người dân, DN qua đó sẽ biết được năng lực, khả năng của các DN để thực hiện các giao dịch, đặc biệt là những giao dịch trong lĩnh vực mua bán bất động sản. Cục Thuế Hà Nội khẳng định sẽ thu hồi được 13.000 tỷ đồng tiền nợ thuế; trường hợp khó thu, vẫn tiếp tục kiến nghị tìm cách tháo gỡ và xử lý, vì đó thường là những DN khó khăn cần có sự hỗ trợ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cao Huyền (Thực hiện)