Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của gạo Việt Nam. Tại Philippines, dự báo lượng nhập khẩu gạo có thể đạt tới 4,5 triệu tấn trong năm 2024, cao hơn con số dự báo trước đây, và Việt Nam hiện chiếm tới 85% thị phần gạo nhập khẩu tại đây.
Indonesia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm 2024, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi và Trung Đông để tận dụng cơ hội từ nhu cầu ngày càng tăng.
Theo dự báo, sản xuất lúa năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu thu về hơn 5 tỷ USD.
7 tháng đầu năm 2024, diện tích giao cấy lúa đạt 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa trên diện tích thu hoạch đạt 25 triệu tấn, tăng 2%.
Cho đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt nhưng ngành gạo Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định. Các biện pháp hỗ trợ từ chính quyền và nỗ lực của nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng suất và chất lượng gạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nước nhà.
Việt Nam đang cạnh tranh để tăng thị phần gạo tại Philippines do nguồn cung trong nước suy yếu buộc Manila phải dựa vào hàng nhập khẩu từ các nước láng giềng. Philippines, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất khẩu tới 4,1 triệu tấn gạo trong năm nay sau khi đã nhập khẩu 3,2 triệu tấn vào năm 2023, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr. đã nhất trí rằng Việt Nam sẽ cải thiện chất lượng gạo và tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Philippines.
Mô hình thời tiết El Nino đã hạn chế sản xuất lương thực chính, đẩy giá lên cao và gây ra lạm phát. Để giảm bớt tác động đến người tiêu dùng trong nước, Manila đã cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% vào tháng 6. Điều này thúc đẩy Việt Nam tận dụng nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng của Philippines.
Thị trường vẫn đợi động thái từ Ấn Độ
Trong báo cáo triển vọng ngành lúa gạo tháng 7/2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2024 thêm 500.000 tấn, lên mức 55,3 triệu tấn và năm 2025 cũng ở mức cao, là 54,3 triệu tấn.
Còn báo cáo thị trường ngũ cốc tháng 7/2024 của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), đơn vị này đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu niên vụ 2024/2025 ở mức 53 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với dự báo được ICG đưa ra trước đó. Thương mại gạo thế giới được dự báo tiếp tục tăng cao. Điều này sẽ tác động đến thị trường lúa gạo Việt Nam. Dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đang nghe ngóng chính sách từ Ấn Độ đối với lệnh cấm xuất khẩu gạo. Mọi quyết định mua/bán được doanh nghiệp đưa ra ở thời điểm hiện tại đều rất thận trọng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, mặc dù nhu cầu thị trường có, nhưng các hợp đồng ký mới ở thời điểm hiện tại vẫn khá dè dặt. Không những vậy, các doanh nghiệp cũng đối diện với tình trạng một số đối tác hỏi mua với mục đích để… “dò giá”.
Hiện Ấn Độ đang xuất khẩu hơn 40% tổng lượng lúa gạo của toàn cầu. Nếu Ấn Độ cởi bỏ hoặc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ “kéo” giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống mức khá thấp, trong đó có Việt Nam.
Người mua chờ, người bán đợi khiến thị trường gạo xuất khẩu lúc này tưởng chừng như khá yên ắng. Theo đó, gạo Việt Nam được chào bán với loại 5% tấm (giá FOB) ở thời điểm hiện tại chỉ khoảng 559 - 563 USD/tấn; Thái Lan là 566 - 570 USD/tấn; Pakistan và Myanmar lần lượt ở mức 574 - 578 và 565-569 USD/tấn, mức giá thấp nhất kể từ cuối năm 2023 đến nay.
PV (t/h)