Theo bà Minh, phần lớn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn thiếu hiểu biết đầy đủ việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào thị trường xuất khẩu. Hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu; vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn…

Ảnh internet
Xuất khẩu phải thích nghi với thị trường áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Ảnh internet.

Để giải quyết các thách thức, bà Trần Thị Hồng Minh nêu quan điểm: “Chính phủ phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo ra không gian kinh tế mới cho doanh nghiệp, tạo ra những khuôn khổ những cách thức, phương thức kinh doanh mới để doanh nghiệp có thể tham khảo và có thể triển khai.

Cụ thể như những vấn đề liên quan tới thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, hay là những vấn đề liên quan tới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kỹ năng lao động gắn với số hóa... Cần phải tính đến những không gian phát triển để tháo gỡ những khó khăn trước mắt”.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn hiện nay, việc định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề bách.

“Muốn các doanh nghiệp phát triển bền vững, không phải một mình Nhà nước hay một mình doanh nghiệp có thể làm được, mà phải có sự kết hợp hết sức tích cực giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước. Cứu doanh nghiệp, không ai bằng chính doanh nghiệp; và Chính phủ cần tạo ra những cơ chế để cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ cần gỡ rối, tạo ra một hành lang pháp lý để mà cơ chế làm sao kích thích các doanh nghiệp phát triển, đảm bảo bền vững”, ông Nguyễn Hồng Long nói.

Công Huy (t/h)